Các số liệu trong báo cáo Cung – cầu tháng 01 hầu như đều mang tính “bullish” đối với nhóm nông sản

Đậu tương

Tồn kho của Mỹ giảm bất ngờ trong khi sản lượng tại Argentina giảm mạnh hơn so với dự đoán khiến giá đậu tương bật tăng mạnh ngay sau khi báo cáo được phát hành

Sản lượng đậu tương 22/23 của Mỹ ước tính đạt 4.276 tỷ giạ, giảm 69 triệu giạ do sản lượng tại các bang Missouri, Indiana, Illinois và Kansas thấp hơn. Cùng với đó, diện tích thu hoạch cũng bị điều chỉnh giảm 0.3 triệu mẫu so với báo cáo tháng 12/2022. Năng suất đậu tương dự kiến đạt 49.5 giạ trên mỗi mẫu, thấp hơn so với mức 50.2 giạ/mẫu trong báo cáo trước. Dự báo xuất khẩu đậu tương giảm 55 triệu giạ, xuống còn 1.99 tỷ giạ, phản ánh nguồn cung thấp hơn, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm và triển vọng tích cực đối với hoạt động xuất khẩu đậu tương của Brazil.Tồn kho cuối niên vụ 22/23 giảm 10 triệu giạ so với dự báo trước đó, ngược lại so với dự đoán tăng của thị trường là thông tin “bullish”, giúp lý giải cho đà tăng của giá sau báo cáo.

Còn tại thị trường thế giới, tổng sản lượng đậu tương thế giới niên vụ 2022/23 giảm 1.3 triệu tấn so với báo cáo tháng 12 do sản lượng thấp hơn ở Argentina và Uruguay không được bù đắp hoàn toàn bởi sự cải thiện sản lượng của Trung Quốc và Brazil. Vụ đậu tương của Argentina giảm 4 triệu tấn xuống còn 45.5 triệu tấn, thấp hơn dự đoán của thị trường, do diện tích thấp hơn và điều kiện thời tiết khô hạn trong giai đoạn đầu vụ. Ở chiều ngược lại, sản lượng đậu tương của Trung Quốc tăng 1.9 triệu tấn lên 20.3 triệu tấn, theo báo cáo từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Cùng với đó, sản lượng đậu tương của Brazil tăng thêm 1.0 triệu tấn nhờ diện tích được mở rộng.

Sản lượng ép dầu đậu tương 2022/23 của thế giới giảm 2.0 triệu tấn chủ yếu là do Argentina và Trung Quốc. Xuất khẩu đậu tương thế giới cũng giảm khi sự cải thiện trong xuất khẩu của Brazil không đủ để bù đắp cho mức giảm trong dự báo xuất khẩu của Argentina. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm 2 triệu tấn xuống còn 96 triệu tấn do nhu cầu của hoạt động ép dầu thấp hơn.

Tồn kho ngô niên vụ 22/23 của Mỹ giảm ngược với dự đoán của thị trường cũng sẽ giúp giá ngô thiết lập xu hướng tăng trung hạn

Sản lượng ngô niên vụ 22/23 của Mỹ ước tính đạt 13.730 tỷ giạ, giảm 200 triệu giạ so với báo cáo trước do mức tăng năng suất không đủ để bù đắp cho việc diện tích thu hoạch bị cắt giảm. Xuấtkhẩu giảm 150 triệu giạ xuống còn 1.925 tỷ giạ, phản ánh tốc độ vận chuyển chậm trong tháng 12/2022 và mức doanh số bán hàng tồn đọng, tại thời điểm đầu tháng 1, thấp nhất kể từ niên vụ 2019/20. Tiêu thụ FSI giảm 10 triệu giạ, với việc giảm ngô được sử dụng cho tinh bột và glucose và dextrose. Trong bối cảnh nguồn cung giảm nhiều hơn mức giảm tiêu thụ, tồn kho ngô niên vụ 2022/23 giảm 15 triệu giạ, ngược lại so với dự đoán tăng của thị trường.

Sản lượng ngô thế giới bị cắt giảm với sự sụt giảm của Argentina và Brazil. Sự sụt giảm sản lượng ngô của Argentina phản ánh việc diện tích và năng suất đều thấp hơn, do nắng nóng và khô hạn trong tháng 12 và đầu tháng 1 ảnh hưởng tiêu cực tới cây trồng tại các khu vực trọng điểm. Sản lượng ngô niên vụ 2022/23 của Brazil bị cắt giảm do điều kiện khô hạn đối với ngô vụ một ở các khu vực phía nam Brazil. Ở chiều ngược lại, sản lượng ngô của Trung Quốc cao hơn dựa trên dữ liệu diện tích và năng suất mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia.

Mặc dù tồn kho niên vụ 2022/23 của Mỹ bị cắt giảm, tuy nhiên, điều này khó có thể đảo chiều xu hướng giảm của lúa mì trong trung hạn

Trong báo cáo lần này, tồn kho lúa mì niên vụ 2022/23 của Mỹ đã bị cắt giảm xuống còn 567 triệu giạ, giảm 4 triệu giạ so với báo cáo trước và ngược với dự đoán tăng lên mức 580 triệu giạ của thị trường. Nguyên nhân chính khiến USDA hạ số liệu tồn kho cuối niên vụ 2022/23 là do tiêu thụ nội địa của Mỹ được dự báo sẽ cao hơn 33 triệu giạ, bù đắp cho việc tồn kho đầu niên vụ được điều chỉnh tăng. Các số liệu sản lượng và xuất khẩu niên vụ 2022/23 không có biến động trong báo cáo lần này, thể hiện USDA vẫn đang khá lạc quan tới tình nguồn cung và bán hàng của Mỹ. Việc tồn kho niên vụ 2022/23 bị cắt giảm đang là yếu tố hỗ trợ giá đậu tương sau khi báo cáo được phát hành nhưng chúng tôi cho rằng khó có thể thúc đẩy lực mua trong những phiên tới khi nguồn cung thế giới được cải thiện. Báo cáo lần này, USDA đã nâng dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2022/23 của thế giới thêm 1.3 triệu tấn, lên mức 1,058.1 triệu tấn do sản lượng tăng tại Ukraine và EU. Tồn kho cũng được nâng lên mức 268.39 triệu tấn, cao hơn một chút so với dự đoán của thị trường. Đây là yếu tố ngăn cản đà tăng của lúa mì kéo dài.

Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *