Chỉ số hàng hoá thế giới MXV – Index giảm ngày thứ 3 liên tiếp

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (9/11) với sắc đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá của cả 4 nhóm mặt hàng nguyên liệu. Điều này đã khiến chỉ số MXV- Index giảm ngày thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 1,64% xuống 2.487 điểm.

Chú thích ảnh

Lực bán chủ yếu đến từ thị trường năng lượng với mức giảm mạnh của các mặt hàng xăng, dầu, khí. Trong khi đó, ở cả 3 nhóm còn lại là kim loại, nguyên liệu công nghiệp và năng lượng, mặc dù diễn biến giá trái chiều, nhưng sắc đỏ vẫn có phần áp đảo.

Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư trong nước đến thị trường bật tăng rất mạnh trong ngày hôm qua, giá trị giao dịch toàn Sở ghi nhận mức tăng tới hơn 60%, đạt 6.600 tỷ đồng.

Giá dầu chịu nhiều áp lực khi thị trường liên tục đón nhận các thông tin tiêu cực

Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường lo ngại về nguồn cung sụt giảm ở Trung Quốc và tồn kho dầu tăng lên tại Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 3,46% xuống 85,83 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,84% xuống 92,65 USD/thùng.

Chú thích ảnh

Dầu thô giảm mạnh 2 phiên liên tiếp, khi thị trường chưa thoát khỏi tâm lý tiêu cực từ các thông tin tại Trung Quốc. Số ca mắc COVID-19 mới lên đỉnh 6 tháng đã khiến cho các tỉnh thành một lần nữa đối mặt với khả năng chịu phong tỏa nặng nề, nhất là khi các quan chức nước này đã liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân theo chính sách “Không COVID” trong thời điểm này. Số ca nhiễm tại Bắc Kinh hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng. Kết hợp với các dữ liệu vĩ mô về xuất nhập khẩu và lạm phát không mấy tích cực, trong khi rủi ro về giảm phát xuất hiện khi chỉ số giá sản xuất tháng 10 giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu áp lực lớn khi tồn kho dầu thô thương mại tăng mạnh 3,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 04/11, trong khi tồn kho dầu dự trữ chiến lược chỉ giảm nhẹ 3,6 triệu thùng. Báo cáo thị trường dầu hàng tuần của EIA cũng cho thấy sản lượng dầu tăng 200.000 thùng/ngày lên 12,1 triệu thùng/ngày, gợi ý tồn kho có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Dollar Index tăng mạnh trở lại khi môi trường vĩ mô trở nên tiêu cực, chấm dứt 3 phiên giảm mạnh, gây áp lực lên dầu thô. Dollar Index tăng khiến cho chi phí nắm giữ hợp đồng của các người mua tiền tệ khác trở nên đắt đỏ hơn, khiến cho giá chịu nhiều áp lực.

Thị trường kim loại diễn biến trái chiều

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/11, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc chấm dứt chuỗi tăng mạnh 3 phiên liên tiếp, đóng cửa tại mức giá 21,32 USD/ounce sau khi giảm 0,81%. Tương tự, giá bạch kim đánh mất mốc 1.000 USD/ounce, giảm 1,7% xuống còn 997,3 USD/ounce.

Các nhà đầu tư tiếp tục tập trung đánh giá kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và dữ liệu lạm phát trong tháng 10 của Mỹ sẽ được công bố vào tối nay. Mong đợi về một chính phủ Mỹ mới có thể sẽ hỗ trợ thị trường tài chính, do kỳ vọng sẽ có ít những biến động kinh tế hơn. Kết quả đến nay cho thấy Đảng Cộng hòa có thể không đạt được nhiều phiếu bầu như dự đoán. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ đồng Dollar Mỹ có tính thanh khoản cao. Bên cạnh đó, tâm lý thân trọng của thị trường trước thềm Mỹ công bố dữ liệu CPI cũng hỗ trợ cho đà phục hồi của đồng bạc xanh, từ đó gây sức ép tới bạc và bạch kim do chi phí nắm giữ trở nên đắt đỏ hơn.

Chú thích ảnh

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX cho thấy những diễn biến giằng co giữa một bên là các lo ngại về nhu cầu yếu kém, đặc biệt là tại thị trường tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc, và một bên là nguồn cung có xu hướng thắt chặt. Kết phiên, giá đồng tăng nhẹ 0,48% lên mức 3,70 USD/pound, ghi nhận mức giá cao nhất kể cuối tháng 8. Giá gặp áp lực khoảng nửa đầu phiên, do dữ liệu chỉ số giá sản xuất PPI của Trung Quốc trong tháng 10 lần đầu tiên giảm phát kể từ tháng 12/2020 với mức giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh nhu cầu suy yếu buộc các nhà sản xuất phải cắt giảm giá thành. Song, đà phục hồi trở lại cuối phiên khi thị trường lo ngại về nguồn cung eo hẹp. Điều này khiến công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới, Codelco của Chile đã đề xuất tiếp tục tăng mức phí bảo hiểm đối với nguồn cung đồng năm 2023 cho ít nhất hai khách hàng Trung Quốc, tương ứng với mức tăng 33,3% so với năm nay. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc có động thái mở rộng tài trợ trái phiếu cho các nhà phát triển bất động sản của nước này, làm gia tăng hy vọng lạc quan cho nhu cầu đồng đối với ngành xây dựng. Quặng sắt cũng đón nhận lực mua trước thông tin này, chốt phiên tăng 0,64% lên mức 88,45 USD/tấn.

Nhập khẩu sắt thép các loại tăng trong tháng 10

Theo Thống kê của Hải quan Việt Nam, trong tháng 10 vừa qua, nước ta nhập khẩu hơn 831 nghìn tấn sắt thép các loại, trị giá 730,7 triệu USD; tăng 11,8% về lượng nhưng chỉ tăng 2,9% về giá trị do giá nhập khẩu đã hạ nhiệt. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, nước ta nhập khẩu 9,7 triệu tấn tương đương kim ngạch 10,2 tỷ USD, giảm 8,4% về lượng nhưng tăng 6,9% về giá trị.

Trong khi đó, xuất khẩu sắt thép các loại ghi nhận giảm nhẹ 0,2% trong tháng 10, đạt 531,9 nghìn tấn, trị giá 434,4 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng 09.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *