Dầu thô lao dốc xuống vùng giá thấp nhất trong năm 2022

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua (06/12), sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá của 3 nhóm Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại.

Trong khi đó, lực bán gia tăng mạnh mẽ và hoàn toàn áp đảo trên thị trường Năng lượng. Điều này đã khiến chỉ số hàng hoá MXV- Index giảm 1,12% xuống 2.368 điểm, vùng thấp nhất kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục ổn định quanh mức 4.500 tỷ đồng.

Chú thích ảnh

Dầu thô tiếp tục lao dốc trước số liệu báo cáo tháng 12 của EIA

Giá của các mặt hàng dầu thô đều giảm phiên thứ hai liên tiếp, và gần như xóa sạch mọi sự tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay. Diễn biến của phiên hôm qua có phần tương tự với diễn biến của phiên ngày thứ hai khi giá đi ngang trong phần lớn thời gian của ngày và giảm mạnh kể từ phiên tối.

Kết thúc phiên 06/12, giá dầu thô WTI tiếp tục giảm 3,48% về 74,25 USD/thùng, giá dầu thô Brent đánh mất mốc 80 USD, giảm 4,05% còn 79,35 USD/thùng.

Chú thích ảnh

Một mặt, giá chịu sức ép bởi các thông tin tiêu cực đến từ báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, sau nhiều tháng cắt giảm, cơ quan này đã nâng dự báo sản lượng dầu vào năm tới, lên mức trung bình 12,34 triệu thùng/ngày, vượt qua cả mức kỷ lục 12,31 triệu thùng/ngày được thiết lập vào năm 2019.

EIA cũng cho biết, dự trữ dầu toàn cầu dù giảm 0,2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2023 (1H23), nhưng sẽ tăng gần 0,7 triệu thùng/ngày trong 6 tháng cuối năm. Điều này đồng nghĩa với việc, dự trữ dầu toàn cầu vào cuối năm 2023 cao hơn so với so với số liệu của báo cáo STEO tháng 11. EIA cũng ước tính giá dầu thô Brent trong năm tới là 92 USD/thùng, thấp hơn 3 USD/thùng, so với con số của tháng trước .

Dự báo này có thể giúp dập tắt lo ngại rằng sản lượng dầu từ các mỏ đá phiến của Mỹ, một trong số ít các nguồn cung có khả năng tăng trên toàn cầu. Theo số liệu của Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu tăng khoảng 30% từ đầu năm đến nay, khi các nhà sản xuất dầu đá phiến đã mở rộng hoạt động với tốc độ thận trọng.

Báo cáo tháng 12 của EIA cũng nhấn mạnh vào những rủi ro vĩ mô, và cũng là một yếu tố khác thúc đẩy sức bán mạnh trên thị trường dầu trong phiên hôm qua. Đồng USD tiếp tục mạnh lên, khiến cho chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô vật chất tăng lên. Điều này phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index đã tăng phiên thứ hai liên tiếp lên 105,58 điểm.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu chung một sức ép liên thị trường, khi nhiều tài sản tài chính như chứng khoán, hay cả các mặt hàng kim loại quý đều bị “bán tháo” trước lo ngại về động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà đầu tư tiến hành cắt giảm bớt các vị thế dầu thô để giảm thiểu rủi ro trong danh mục.

Sáng nay, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này giảm 6,43 triệu thùng và cũng là tuần thứ tư liên tiếp giảm. Thông tin này có thể hỗ trợ giá phục hồi vào phiên sáng.

Sắc xanh gần như bao trùm bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/12, sắc xanh gần như bao trùm trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp, trừ 2 mặt hàng đường. Robusta nối tiếp đà tăng trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tại Việt Nam.

Arabica tiếp tục có phiên giao dịch giằng co khi giá có thời điểm tăng lên trên 166 cents, sau đó lại lùi về mức 163,50 cents, tương đương mức tăng khiêm tốn 0,55%. Một mặt giá đường hỗ trợ từ việc sản lượng Arabica trong tháng 11 của Colombia giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái vì lượng mưa vượt quá mức bình thường, kéo theo xuất khẩu giảm 25%. Mặt khác, mưa được dự báo sẽ xuất hiện tại Minas Gerais trong 10 ngày tới, hỗ trợ sự phát triển của cây cà phê, từ đó cải thiện nguồn cung trong niên vụ tới của nước cung ứng số 1 thế giới và gây áp lực lên giá khiến đà tăng bị hạn chế.

Với Robusta, đà tăng vẫn được duy trì do những lo ngại về nguồn cung tại Việt Nam. Theo đó, quốc gia này đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích cà phê, chất lượng nguồn cung đang là vấn đề đáng lo ngại do mưa lớn kéo dài trong quá trình thu hoạch, gây ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch và sấy khô.

Chú thích ảnh

Bông ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong tuần nhờ tín hiệu tích cực từ Trung Quốc. Quốc gia nhập khẩu bông số 1 thế giới đang nới lỏng dần các lệnh phòng chống lây lan COVID-19, điều này đưa đến triển vọng tích cực hơn về nhu cầu tiêu thụ bông của quốc gia này sẽ hồi phục trong thời gian tới, từ đó giúp giá khởi sắc.

Dầu cọ thô có phiên bật tăng mạnh với mức tăng hơn 3%. Lực mua được thúc đẩy bởi việc nhập khẩu dầu cọ trong tháng 11 của Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục tăng 29% so với tháng 10, lên mức 1,14 triệu tấn. Thông thường, nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ sẽ chỉ đạt mức trung bình trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân cho sự tăng trưởng bất ngờ này đến từ mức chiết khấu giữa giá dầu cọ thô so với dầu đậu tương và dầu hướng dương tương đối cao tại thị trường nội địa, điều này đã khiến các đại lý dầu thực vật của Ấn Độ đẩy mạnh các lô hàng dầu cọ.

Ở chiều ngược lại, cả 2 mặt hàng đường đều mang sắc đỏ và ghi nhận mức giảm lần lượt là 0,82% với đường 11 và 0,78% với đường trắng. giá dầu thy giảm mạnh trong phiên hôm qua đã thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung mặt hàng này trở nên nới lỏng, từ đó gây áp lực khiến giá quay đầu giảm.

Xuất khẩu cà phê nước ta tiếp tục tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Biến động cùng chiều giá cà phê thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá thu mua cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng 200 đồng/kg, dao động quanh mức 40.700 – 41.300 đồng/kg.

Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tính trong 15 ngày đầu tháng 11, cả nước xuất khẩu 55,4 nghìn tấn cà phê, trị giá 134,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê tăng 42% về lượng và tăng 48% về giá trị. Luỹ kế từ đầu năm, nước ta đã xuất khẩu tổng cộng 1,48 triệu tấn, tương đương kim ngạch 3,4 tỷ USD. Như vậy, đến ngày 15/11, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã tăng 10%, giá trị xuất khẩu tăng mạnh 36% so với năm 2021.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *