Kết thúc ngày giao dịch 07/07, sắc xanh áp đảo trên thị trường hàng hoá đã kéo chỉ số MXV-Index tăng mạnh 3,73% lên mức 2.595,14 điểm sau 2 phiên trượt dốc trước đó. Chỉ số MXV-Index của toàn bộ 4 nhóm nguyên liệu đều tăng điểm, trong đó, dẫn đầu là nhóm năng lượng với hơn 6%, đà tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 3 năm nay.
Giá trị giao dịch toàn Sở giảm nhẹ 0,77% so với phiên hôm trước, chủ yếu do sự suy giảm dòng tiền của nhóm Công nghiệp. Tuy nhiên, sự chú ý của các nhà giao dịch đối với nhóm kim loại đã củng cố dòng tiền đầu tư trong nhóm tăng mạnh 35%, giúp giá trị giao dịch toàn Sở duy trì trên mức 4.000 tỷ đồng.
Dầu thô lấy lại sắc xanh sau 2 phiên giảm mạnh
Giá dầu thô tăng trở lại sau hai phiên giảm khi mà hàng loạt các tin tức cơ bản về cung cầu mang sức mua quay trở lại với thị trường. Kết thúc phiên, hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 8 tăng 4,6% lên 102,73 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9 đóng cửa cao hơn 3,93% lên 104,65 USD/thùng.
Mới đây, toà án ở Nga đã ra lệnh ngừng hoạt động 30 ngày đối với Công ty CPC, một trong những hệ thống đường ống lớn nhất thế giới, khiến cho khoảng 30 triệu thùng dầu thô, chủ yếu từ Kazakhstan, có nguy cơ không được xuất khẩu mỗi tháng. CPC xử lý khoảng 1% sản lượng dầu mỗi ngày và điều này làm tăng thêm những rủi ro về nguồn cung thắt chặt.
Bài toán về nguồn cung của thị trường dầu ngày càng khó có lời giải khi mà Mỹ lại công bố một loạt các lệnh trừng phạt mới với Iran, nhắm vào các công ty bình phong có trụ sở tại Trung Quốc, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE),… Washington cáo buộc các công ty này đã thực hiện phân phối, bán các sản phẩm hóa dầu và dầu mỏ của Iran sang Đông Á. Sau khi vòng đàm phán nhằm khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung 2015 vào ngày 29/06 kết thúc mà không có tiến triển nào, động thái này của Mỹ sẽ khiến cho thỏa thuận hạt nhân giữa hai nước ngày càng khó có thể được khôi phục.
Ngoài ra, những số liệu mới trong báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng đã hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu. Mặc dù tồn kho dầu thô thương mại tăng 8,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 1/7, nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt 2,5 triệu thùng và 1,3 triệu thùng, phản ánh cho việc nhu cầu gia tăng trong giai đoạn tiêu thụ cao điểm ở Mỹ. Bên cạnh đó, sản phẩm được cung cấp, con số đại diện tốt nhất cho nhu cầu tiêu dùng của Mỹ, đã tăng trong tuần gần đây nhất lên 20,5 triệu thùng/ngày.
Giá khí tự nhiên tăng rất mạnh 14,28% lên 6,297 USD/MMBTu trong phiên giao dịch hôm qua, cùng với đà tăng của nhóm năng lượng. Bên cạnh đó, việc một công ty đường dẫn khí phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại khu vực Vịnh Mexico cũng hỗ trợ đà tăng của giá. Ngoài ra, đà tăng của khí tự nhiên tại thị trường châu Âu cũng thúc đẩy giá khí tại Mỹ. Hiện tại, Nga đã giảm lượng khí vận chuyển cho châu Âu, với đường dẫn sang Đức chỉ vận hành với 40% công suất.
Giá đồng bất ngờ phục hồi mạnh sau chuỗi lao dốc
Đối với thị trường kim loại, ngoại trừ niken LME, toàn bộ các mặt hàng còn lại trong bảng giá kim loại đều phủ trong sắc xanh. Đây là một trong số những lần hiếm hoi bảng giá kim loại đón nhận được lực mua tích cực đồng loạt như vậy kể từ khoảng đầu tháng 6. Bạc có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, kết phiên ở mức giá 19,188 USD/ounce sau khi tăng 0,15%. Bạch kim chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên với lực mua tương đối mạnh, đưa giá tăng gần 3% lên mức 865,8 USD/ounce.
Vào hôm qua, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Christopher Waller, trong cuộc thảo luận với Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia cho thấy động thái ủng hộ việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 7, nhưng tốc độ tăng lãi suất sẽ giảm sau đó, có thể là 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9. Dẫn lời Thống đốc cho rằng cá nhân ông nghĩ rủi ro thiệt hại kinh tế là có thể, nhưng một số lo ngại về suy thoái đã bị thổi phồng quá mức.
Phát biểu này đã ngay lập tức tác động tới kỳ vọng của thị trường, với việc các nhà đầu tư giảm đặt cược vào việc Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tháng 9 xuống 13% từ mức 23% trước khi ông phát biểu. Đồng Dollar Mỹ tăng nhẹ so với phiên hôm qua, tuy nhiên, đã cho thấy xu hướng suy yếu trong phiên. Điều này đã hỗ trợ cho đà tăng của nhóm kim loại quý vốn nhạy cảm với sự thay đổi của lãi suất và đồng USD.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX có một phiên phục hồi bất ngờ sau khi chạm đáy gần 20 tháng. Mức tăng mạnh 4,81%, lấy lại mốc 3,5 USD/pound được hỗ trợ chủ yếu bởi thông tin Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch xem xét cho phép chính quyền địa phương bán 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT) (220 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt trong nửa cuối năm nay, một sự tăng tốc chưa từng có của tài trợ cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách nước này mới công bố kế hoạch gia hạn giảm thuế cho xe điện, xây dựng nhiều trạm sạc hơn và khuyến khích giảm phí sạc. Việc giảm một nửa thuế xuống mức 5% đã giúp thị trường phục hồi với doanh số bán xe điện tăng vọt 130% lên 546.000 chiếc trong tháng trước, chiếm gần 30% tổng doanh số bán xe. Trước những nỗ lực kích thích mạnh mẽ này, giá đồng và quặng sắt đều cho thấy phản ứng tích cực sau nhiều phiên lao dốc.
Tại thị trường nội địa, theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, Việt Nam tiếp tục nhập siêu sắt thép trong tháng 6 và được hưởng lợi từ sự hạ nhiệt của giá sắt thép trên thế giới trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, xu hướng xuất khẩu đã được thúc đẩy hơn so với tháng trước. Xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam trong tháng 6 đạt mức 860.000 tấn, tăng gần 16% so với tháng 5, trong khi nhập khẩu giảm 2,9%, đạt mức hơn 1,2 triệu tấn.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)