Giá hàng hoá nguyên liệu giảm mạnh

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần giao dịch vừa qua (13/02 -19/02), ngoại trừ nhóm Nguyên liệu công nghiệp, lực bán hoàn toàn áp đảo trên 3 nhóm mặt hàng còn lại là Nông sản, Năng lượng và Kim loại. Đà giảm rất mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng đã kéo chỉ số Hàng hoá MXV- Index quay đầu suy yếu hơn 1,7% xuống mức 2.352 điểm.

Chú thích ảnh

Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt gần 3.400 tỷ đồng mỗi phiên, tăng hơn 13% so với tuần trước đó, cho thấy dòng tiền đã dần ổn định trở lại thị trường sau giai đoạn liên tục biến động mạnh vừa qua.

Cà phê Arabica tăng hơn 6%

Cà phê Arabica là điểm sáng trong tuần qua khi tiếp tục nối dài đà tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp với mức tăng hơn 6% trong bối cảnh hạn chế bán hàng vẫn tiếp diễn tại Brazil. Theo MXV dẫn thông tin từ công ty tư vấn Safras & Mercado, doanh số bán hàng cà phê niên vụ 23/24 của Brazil hiện mới chỉ đạt 17% tổng sản lượng ước tính cho niên vụ này, thấp hơn nhiều so với mức 27% cùng kỳ niên vụ 22/23 khi nông dân nước này từ chối các đề nghị bán hàng do mức giá thấp hơn so với kỳ vọng. Điều này cũng kéo theo lượng cà phê tại các kho lưu trữ của Mỹ kết thúc tháng 01/2023 giảm xuống mức thấp nhất trong 06 tháng, từ đó góp phần hỗ trợ giá tăng. Bên cạnh đó, những động thái mới trong tiến trình tăng lãi suất của Fed sau hàng loạt các chỉ số vĩ mô tháng 01 của Mỹ, khiến tỷ giá USD/Brazil Real suy yếu, sau 2 tuần tăng liên tiếp đã phần nào hạn chế nhu cầu bán hàng từ phía nông dân Brazil và hỗ trợ giá tăng mạnh hơn.

Chú thích ảnh

Nhờ sự hỗ trợ từ Arabica, Robusta ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp với mức tăng gần 3%, đưa giá hiện tại lên USD/tấn, cao nhất trong 4 tháng. Sau khi chạm mức thấp nhất trong hơn 6 năm, tồn kho Robusta trên Sở ICE London đã đảo chiều tăng trong 2 phiên gần nhất, tổng mức tồn kho hiện tại đạt 61.200 tấn.

Giá dầu thô lao dốc

Kết thúc tuần giao dịch ngày 13/02 – 19/02, sắc đỏ phủ kín bảng giá năng lượng khi các sức ép từ yếu tố vĩ mô đồng loạt thúc đẩy lực bán, trong đó, giá dầu WTI lao dốc và đánh mất 4,22% giá trị xuống còn 76,55 USD/thùng, và dầu Brent cũng giảm 3,86% xuống 82,67 USD/thùng. Bên cạnh áp lực vĩ mô, các tín hiệu nguồn cung được đảm bảo, trong khi nhu cầu vẫn chưa có sự khởi sắc đáng kể đã kéo giá dầu suy yếu trong tuần qua.

Chú thích ảnh

Tâm điểm của thị trường hướng về dữ liệu lạm phát tại Mỹ trong tháng 1 bất ngờ cao hơn dự báo, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 ghi nhận mức tăng 6,4% so với cùng kỳ 2022, cao hơn mức tăng 6,2% từ các tính toán phía chuyên gia và chỉ hạ nhiệt nhẹ so với con số 6,5% vào tháng trước đó. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn về tiến trình thắt chặt tiền tệ trong tương lai, trong đó chủ tịch St. Louis Fed James Bullard thậm chí còn ủng hộ việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tiếp theo. Lo ngại lãi suất còn tăng mạnh đã kéo đồng USD mạnh lên và chỉ số Dollar Index đã có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến cho chi phí nắm giữ vật chất đắt đỏ hơn và gây sức ép tới giá dầu.

Về mặt cung cầu, các báo cáo tháng quan trọng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều cho thấy góc nhìn tích cực hơn về nhu cầu dầu thô thế giới trong năm 2023, đặc biệt là với sự mở cửa trở lại từ phía Trung Quốc. Cụ thể, nhóm OPEC trong báo cáo tháng 2 đã nâng mức tiêu thụ dầu năm nay thêm 100.00 thùng/ngày so với báo cáo trước. Trong khi đó, IEA dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng thêm 200.000 thùng/ngày cho năm nay so với báo cáo tháng trước, lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày, với nhu cầu của Trung Quốc tăng 900.000 thùng/ngày so với một năm trước đó, chiếm 45% mức tăng trưởng chung. Kỳ vọng tích cực hơn về triển vọng tiêu thụ đã hạn chế đà giảm của giá dầu và khiến giá liên tục có những phiên biến động giằng co. Tuy nhiên, về ngắn hạn, các tín hiệu cung cầu đều đang gây sức ép tới giá.

Báo cáo mới nhất về nguồn cung của Mỹ, được công bố vào thứ Tư, cho thấy tồn kho dầu thô trong tuần tính đến ngày 10 tháng 2 đã tăng 16,3 triệu thùng lên 471,4 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang có kế hoạch bán số lượng dầu từ kho dự trữ chiến lược (SPR) lên tới 26 triệu thùng. Bên cạnh đó, lo ngại nguồn cung từ phía Nga sau khi nước này tuyên bố cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 3 cũng đang dần giảm bớt khi nguồn tin từ Reuters cho biết các nhà sản xuất dầu của Nga kỳ vọng sẽ duy trì khối lượng xuất khẩu dầu thô hiện tại.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm 1 giàn khoan xuống còn 760 giàn khoan trong tuần tính đến ngày 17/2. Bất chấp sự sụt giảm giàn khoan trong tuần này, Baker Hughes cho biết tổng số giàn khoan vẫn tăng 115, tương đương 18%, so với cùng thời điểm năm ngoái.

Giá hàng hoá nguyên liệu hồi phục chậm

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam nhận định: “Trong tuần này, về các yếu tố vĩ mô, thị trường vẫn hướng quan tâm xoay quanh những thông tin liên quan tới tính hình lạm phát và bài toán thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ đến mức nào và trong bao nhiêu lâu. Đặc biệt, các nhà đầu tư sẽ phản ứng mạnh với biên bản họp của Fed hồi đầu tháng 2, được công bố vào đêm thứ 4 tuần này.” Sau khi chứng kiến mức lạm phát tại Mỹ trong tháng 1 không đạt kỳ vọng, công cụ theo dõi lãi suất Fedwatch của CME Group hiện đang cho thấy các ý kiến ủng hộ cho việc tăng 25 hoặc 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào 22/3, thay vì ý kiến giữ nguyên hoặc chỉ tăng 25 điểm cơ bản như giai đoạn trước đó. Ngoài ra, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE tháng 1 cũng sẽ được công bố vào cuối tuần. Trong trường hợp biên bản họp Fed cho thấy các quan chức cứng rắn về kế hoạch thắt chặt, và PCE tiếp tục vượt ngưỡng dự báo thì áp lực có thể vẫn sẽ đè nặng lên xu hướng giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là nhóm năng lượng, kim loại và các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như cà phê, ca cao.

Ông Phạm Quang Anh cho biết thêm: “Các tin tức về thị trường Trung Quốc cũng sẽ được chú ý. Mặc dù Chính phủ có xu hướng tăng thanh khoản nhằm thúc đẩy tăng trưởng, song niềm tin tiêu dùng vẫn còn hạn chế, và tín dụng còn yếu vẫn sẽ khiến giá kim loại cơ bản như đồng, sắt, nhôm, kẽm… hay năng lượng như dầu thô, khí tự nhiên… phục hồi chậm”.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *