Giá nông sản lao dốc, ngành chăn nuôi sắp “nhẹ gánh”?

Giá các mặt hàng nông sản chính như: ngô, lúa mì, đậu tương đều đồng loạt trải qua mức sụt giảm mạnh trong vài tuần vừa qua. Liệu đây chỉ là đợt điều chỉnh sau chuỗi tăng liên tiếp hay là dấu hiệu cho thấy giá sẽ bước vào xu hướng giảm trong nửa năm còn lại?

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 23/6, giá đậu tương tiếp nối đà suy yếu trong phiên thứ 4 liên tiếp và ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 2 tới nay. Tính trong 2 tuần gần đây, chỉ có duy nhất 1 phiên giá đóng cửa trong sắc xanh. Giá hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 7 cũng lao dốc và đóng cửa với mức giảm hơn 4% xuống mức 937 cent/giạ (~344 USD/tấn).

Giá nông sản lao dốc, ngành chăn nuôi sắp “nhẹ gánh”? -0

Tính chu kỳ của giá nông sản thế giới

Theo MXV, giá các mặt hàng nông sản thế giới thường có xu hướng lập đỉnh vào quý II hàng năm, khi sự chú ý của thị trường đều tập trung vào triển vọng mùa vụ của quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới là Mỹ. Mùa vụ đậu tương hiện tại đang có khởi đầu khá tốt với tiến độ mùa vụ đã theo kịp với mức trung bình 5 năm trước. Hoạt động gieo trồng đang bước vào giai đoạn kết thúc với 94% diện tích dự kiến.

Yếu tố có quyết định đến xu hướng sắp tới của giá và đang được quan tâm nhất trước khi ngô hay đậu tương tại Mỹ bước vào giai đoạn phát triển quan trọng là thời tiết ở khu vực Midwest. Mặc dù dự báo trong tháng 7, khô hạn sẽ chiếm ưu thế nhưng nhờ có lượng mưa lớn, bổ sung độ ẩm dự trữ cho đất trong giai đoạn gieo trồng nên rủi ro năng suất suy giảm cũng chưa phải là vấn đề đáng lo ngại.

Mặc dù tính chu kỳ hay xu hướng giá hạ nhiệt vào cuối năm là dựa trên xác suất xảy ra và không mang tính tuyệt đối nhưng với triển vọng nguồn cung đang dần nới lỏng hơn thì đà tăng của giá cũng sẽ khó đẩy mạnh trở lại. Năm ngoái, giá đậu tương cũng lao dốc vào cuối tháng 6 và sau đó xác nhận xu hướng giảm cho tới cuối năm. MXV cho biết, nếu như năm nay, khô hạn không quá khắc nghiệt thì khả năng giá nông sản bước vào chu kỳ mới như năm ngoái thì cũng sẽ cao hơn.

Lo ngại về nguồn cung đang dần được xoa dịu

Không chỉ Mỹ, nguồn cung tại các nước sản xuất lớn khác cũng đang trở nên khả quan hơn so vài tháng trước. Hãng phân tích APK-Inform đã nâng dự báo sản lượng ngũ cốc niên vụ 22/23 của Ukraine lên mức 52,4 triệu tấn, từ mức 48,3 triệu tấn trong báo cáo trước. Theo đó, sản lượng ngô và lúa mì của nước này trong năm nay lần lượt được điều chỉnh từ mức 25,2 triệu tấn và 17,1 triệu tấn lên 27,7 triệu tấn và 18,2 triệu tấn. Nguyên nhân cho động thái điều chỉnh dự báo này là do triển vọng vụ mùa của Ukraine vượt ngoài kỳ vọng.

Trái ngược với giai đoạn tăng phi mã do các cảng xuất khẩu ở Biển Đen bị đóng băng, sản lượng cải thiện cùng với những động thái của chính phủ các nước nhằm hỗ trợ thúc đẩy đưa nguồn cung ở Ukraine ra thị trường thế giới sẽ tạo áp lực lên giá nông sản. Ngoài ra, 2 quốc gia Nam Mỹ đứng trong top đầu về sản xuất ngô, đậu tương hiện đang ở trong giai đoạn thu hoạch và cũng đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Giá nông sản lao dốc, ngành chăn nuôi sắp “nhẹ gánh”? -0

Mùa vụ các nước sản xuất chính đang dần ổn định hơn là dấu hiệu cho thấy những lo ngại về nguồn cung thiếu hụt vài tháng trước đã dần bị xoá bỏ. Giá nông sản thế giới mặc dù đang ở mức cao hơn nhiều so cùng kỳ năm ngoái nhưng dấu hiệu hạ nhiệt và đảo chiều cũng sẽ là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta trong giai đoạn tới.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *