Giá nông sản sụt giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ

Kết thúc ngày giao dịch 05/07, duy nhất chỉ có 3 trong tổng số 31 mặt hàng được giao dịch liên thông thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) đóng cửa trong sắc xanh. Điều này đã kéo chỉ số MXV-Index sụt giảm mạnh mẽ ở mức 5,36% xuống còn 2.534,57 điểm, mức điểm thấp nhất kể từ cuối tháng 1 năm nay.

Chỉ số MXV-Index của toàn bộ 4 nhóm nguyên liệu đều kết thúc giảm điểm, dẫn đầu là nhóm năng lượng với sự lao dốc của dầu thô, mặt hàng đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhiều nhất. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản cũng biến động mạnh với lực bán áp đảo. Sau kỳ nghỉ lễ Độc lập của Mỹ, giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức hơn 4.300 tỷ đồng.

Dầu thô đánh mất mốc 100 USD/pound

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô WTI giảm 8,24% về 99,50 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent đóng cửa thấp hơn 9,45% về 102,77 USD/thùng. Mức sụt giảm nặng nề khiến cho giá của cả hai mặt hàng dầu thô hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng.

Thị trường dầu thô đang ở trong giai đoạn phản ứng rất mạnh đối với các tin tức về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Ngày càng có nhiều nhà phân tích kỳ vọng rằng Mỹ sẽ có mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) âm trong thời gian tới, và điều này sẽ kéo nền kinh tế lớn nhất toàn cầu bước vào một cuộc suy thoái.

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá xăng bán lẻ ở Mỹ đã giảm từ mức kỷ lục trên 5 USD/gallon (3,79 lít) vào giữa tháng 6 về 4,8 USD/gallon. Giá bán xăng giảm ngay trong thời điểm tiêu thụ cao điểm mùa hè cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu tại Mỹ có thể sớm chững lại.

Ngân hàng đầu tư Citibank cũng đã nêu lên một kịch bản tiêu cực rằng giá dầu có thể giảm còn 65 USD/thùng vào cuối năm 2022 và giảm về 45 USD/thùng vào cuối năm 2023, trong trường hợp bóng đen về suy thoái kinh tế sẽ diễn ra.

Giá đồng lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 19 tháng

Đối với nhóm kim loại, lực bán áp đảo trên hầu hết các mặt hàng trong khi quặng sắt phục hồi sau phiên lao dốc trước đó. Nhóm kim loại quý đều kết phiên với mức giảm hơn 2%. Bạc nối dài chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp, lao dốc mạnh nhất nhóm kim loại quý với 2,78% xuống mức 19,12 USD/ounce và xoá sạch giá trị tích luỹ trong vòng 1 năm trở lại đây. Giá bạch kim cũng cán mốc 850 USD/pound sau khi giảm 2,36%. Đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ cuối tháng 9 năm ngoái.

Vào tối qua, dữ liệu thống kê tại Mỹ cho thấy số đơn hàng nhà máy Mỹ trong tháng 5 bất ngờ tăng mạnh 1,6%, gấp đôi mức tăng tháng trước đó và đánh bại dự đoán chỉ tăng 0,5% của các chuyên gia kinh tế. Thông tin này đã tạo ra sức ép đối với giá kim loại trong tương lai khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ còn không gian cho những đợt tăng lãi suất của mình. Điều này góp phần đẩy đồng USD tăng thêm 1,33% trong phiên hôm qua và làm giảm sức hấp dẫn của kênh trú ẩn kim loại quý.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX ghi nhận phiên lao dốc hơn 5% xuống mức thấp nhất trong vòng 19 tháng, đạt mức 3,4 USD/pound. Việc các ổ dịch bùng phát tại An Huy, và mới đây, các ca nhiễm mới xuất hiện tại Thượng Hải khiến thành phố triển khai xét nghiệm hàng loạt với 9 quận, tiếp tục làm dấy lên nghi ngại tính bền vững trong phục hồi kinh tế. Thông tin này đã khiến cho giá đồng vốn chịu những áp lực từ suy thoái tiếp tục lao dốc trong phiên hôm qua.

Trái lại với sự sụt giảm của giá đồng, giá quặng sắt đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng 3,48% lên mức 112,51 USD/tấn sau khi đánh mất hơn 5% vào hôm trước. Theo Reuters, Trung Quốc sẽ thành lập quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng của nhà nước trị giá 500 tỷ nhân dân tệ (74.69 tỷ USD) trong quý III nhằm thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và vực dậy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Đây chính là yếu tố hỗ trợ chính cho giá sắt, vốn nhạy cảm với các tin tức về đầu tư xây dựng tại Trung Quốc hơn so với thị trường đồng.

Nhóm đậu tương đồng loạt suy yếu mạnh

Sau kỳ nghỉ Lễ độc lập tại Mỹ, nhóm đậu tương đều mở cửa tạo cách biệt lớn và đà giảm tiếp tục được đẩy mạnh đến hết phiên hôm qua do triển vọng mùa vụ Mỹ được cải thiện.

Theo báo cáo Giao hàng xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành, giao hàng đậu tương trong tuần kết thúc vào ngày 30/06 đạt 354.987 tấn, thấp hơn so với mức 475.556 tấn trong tuần trước đó. Bên cạnh đó, với dự báo thời tiết xuất hiện mưa trong đầu tuần này ở các khu vực phía bắc Midwest, chất lượng cây trồng có thể sẽ được cải thiện. Những thông tin trên cho thấy dấu hiệu tồn kho cuối vụ 22/23 tại Mỹ sẽ tăng lên và là yếu tố tạo áp lực lên giá trong phiên hôm qua.

Cùng diễn biến với giá đậu tương, khô đậu và dầu đậu cũng có các mức giảm rất lớn. Giá khô đậu suy yếu về mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, giá dầu thô lao dốc và mất đi mốc 100 USD cùng với diễn biến của giá dầu cọ đã thúc đẩy lực bán tháo đối với thị trường dầu đậu tương. Kể từ ngày 04/07, nước này đã chính thức nâng hạn ngạch xuất khẩu dầu cọ đối với các công ty tham gia chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) lên mức 7 lần khối lượng bán ra trong nước. Việc nguồn cung dầu cọ được nới lỏng đã gây sức ép lên giá dầu thực vật.

Giá ngô và lúa mì giảm sau Báo cáo giao hàng xuất khẩu

Giá ngô hợp đồng tháng 12 ghi nhận phiên suy yếu thứ tư liên tiếp. Thông tin tích cực về nguồn cung từ Brazil được công bố trong kì nghỉ lễ đã ngay lập tức tác động đến tâm lý các nhà đầu tư. Giá tiếp tục giảm mạnh trước những số liệu thất vọng trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu và đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 02.

Số liệu từ báo cáo cho thấy giao hàng ngô của Mỹ đạt 676.824 tấn, thấp hơn so với mức 1.246.950 tấn của tuần trước đó và nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường. Điều này càng củng cố cho việc nhu cầu đối với ngô Mỹ đang suy yếu và tiếp tục gây sức ép lên giá trong phiên.

Đối với lúa mì hợp đồng tháng 09, giá liên tục suy yếu ngay sau khi bắt đầu phiên giao dịch và đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.

Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn Bộ Nông nghiệp Nga cho biết, nước này đã xuất khẩu 38,1 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ 21/22, trong đó lúa mì chiếm tới 30,7 triệu tấn. Bên cạnh đó, theo Cơ quan thống kê Canada StatsCan, diện tích trồng lúa mì năm nay của nước này là 25,4 triệu mẫu, mức cao nhất kể từ 2013. Những thông tin trên đã mở triển vọng tích cực về nguồn cung lúa mì toàn cầu và là yếu tố làm giảm giá.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *