GIỚI THIỆU SẢN PHẨM
Bạc là kim loại quý hiếm chỉ đứng sau vàng. Bạc nguyên chất có đặc tính mềm, dễ uốn, có màu trắng ánh kim và độ bánh bóng cao. Bạc là kim loại có tính dẫn điện và dẫn nhiệt cao nhất trong số các kim loại.
Tại Việt Nam, trong khi giao dịch vàng là chưa được phép thì bạc là kim loại quý có thể giao dịch thay thế với mức độ hấp dẫn không kém. Bạc tiêu chuẩn giao dịch phải đáp ứng độ tinh khiết 99.9% hoặc phải thuộc 1 trong những nhãn hiệu được chấp nhận bởi Sở giao dịch.
Ngoài công dụng được phổ biến rộng rãi là trang sức thì bạc còn được dùng để chế tạo thiết bị điện tử, công nghiệp làm chất dẫn, tráng gương, điện phân; chất tẩy khuẩn,…
TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU
Trong năm 2017, Mexico là quốc gia sản xuất được nhiều bạc nhất trên thế giới vì quốc gia này sở hữu nhiều mỏ bạc nhất thế giới. Tiếp theo đó là Peru, Trung Quốc.
Về mặt xuất khẩu, châu Á xuất khẩu bạc nhiều nhất thế giới. Trong đó Hồng Kông chiếm tỷ trọng lớn nhất là 12%. Tiếp sau đó là Mexico (11%), Hàn Quốc (8.9%), Đức (7.9%)
Về mặt nhập khẩu, Hoa Kì là nước nhập khẩu nhiều nhất, trị giá khoảng 3.8 tỷ đô, chiếm khoảng 21%. Tiếp theo là Ấn Độ và Anh.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG
Lạm phát: Khi nền kinh tế lạm phát thì người dân thường tìm kênh trú ẩn an toàn và bạc cũng nằm trong số đó. Chính điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tích trữ bạc và ảnh hưởng đến giá.
Ảnh hưởng của thị trường kim loại Vàng: Vàng luôn là kim loại phổ biến rộng rãi bởi nhiều tính năng của nó. Khi vàng tăng hoặc giảm bởi các sự kiện lớn trên thế giới thì tâm lý đó sẽ ảnh hưởng lên các kim loại khác đặc biệt là bạc.
Giá đô la Mỹ (USD): Bạc thường được định giá bằng đô la Mỹ. Đồng đô la Mỹ mạnh lên có khả năng làm giảm giá bạc và ngược lại.
Các yếu tố chính trị, kinh tế: Các chính sách tài chính, tài khóa của các quốc gia và ngân hàng lớn trên thế giới sẽ tác động đến giá bạc. Bạc luôn là kim loại biến động cực lớn và nhạy cảm với các yếu tố vĩ mô này.