Đồng là kim loại có tính dẻo, có tính dẫn điện và dẫn nhiệt cao. Đồng nguyên chất mềm và dễ uốn, bề mặt có màu cam đỏ.
Đồng có tính dẫn điện tốt thứ 2 chỉ sau Bạc. Với giá thành hợp lý và tính mềm dẻo, đồng được sử dụng phổ biến là chất dẫn điện, đẫn nhiệt, làm vật liệu xây dựng, sản xuất các thiết bị điện, nhạc cụ, trong các thiết bị chế tạo thủy tinh, thiết bị khắc, thiết bị in ấn…
TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU
Nguồn cung đồng toàn cầu chủ yếu đến từ các mỏ dưới lòng đất và một phần từ nguồn tái chế các sản phẩm đồng. Mặc dù chi phí sản xuất cao, các mỏ đồng vẫn chiếm 80% đồng tinh luyện hằng năm, 20% còn lại từ các nguồn nguyên liệu tái chế.
Hiện nay, các mỏ khai thác đồng lớn nhất thế giới nằm chủ yếu ở Chile, Peru, Trung Quốc… Đáng chú ý, tại Chile có 3/10 mỏ đồng có công suất lớn nhất thế giới. Đây là quốc gia khai thác đồng hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là nước xuất khẩu đồng lớn nhất toàn cầu.
Mặc dù là nhà sản xuất đồng lớn thứ 3 trên thế giới, nhưng Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu đồng lớn nhất toàn cầu. Theo sau Trung Quốc trong hoạt động nhập khẩu đồng là Đức, Mỹ, Ý, Đài Loan.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG
Ảnh hưởng của thị trường kim loại Vàng: Vàng luôn là kim loại phổ biến rộng rãi bởi nhiều tính năng của nó. Khi vàng tăng hoặc giảm bởi các sự kiện lớn trên thế giới thì tâm lý đó sẽ ảnh hưởng lên các kim loại khác đặc biệt là đồng.
Giá đô la Mỹ (USD): Đồng thường được định giá bằng đô la Mỹ. Đồng đô la Mỹ mạnh lên có khả năng làm giảm giá đồng và ngược lại.
Các yếu tố chính trị, kinh tế: Các chính sách tài chính, tài khóa của các quốc gia và ngân hàng lớn trên thế giới sẽ tác động đến giá đồng. Đồng luôn là kim loại biến động cực lớn và nhạy cảm với các yếu tố vĩ mô này.
Sự gián đoạn nguồn cung: Các vấn đề chính trị, môi trường và lao động tại Nam Mỹ, đặc biệt là ở Chile và Peru có thể có làm gián đoạn nguồn cung và ác động lớn đến giá đồng.
Sản phẩm thay thế: Kim loại rẻ hơn như nhôm có thể thay thế cho đồng trong sản xuất cáp điện, thiết bị điện và thiết bị điện lạnh. Niken, chì và sắt cũng cạnh tranh với đồng trong một số ngành công nghiệp. Khi xu hướng sử dụng các kim loại thay thế tăng lên sẽ làm giá đồng giảm và ngược lại.
Nhu cầu về thị trường nhà ở và cơ sở hạ tầng: Nhu cầu về xây dựng và phát triển ở thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ hay ở Mỹ điều tác động mạnh đến lực cầu về đồng trên thế giới.
Giá dầu thô: Chi phí vận chuyển và chi phí tinh luyện đồng chiếm hơn 30% chi phí khai thác và chế biến. Nên khi giá dầu tăng hay giảm sẽ dẫn đến việc tăng giảm chi phí này và ảnh hưởng đến giá đồng thị trường.