Liệu đồng USD có quay lại mức đỉnh lịch sử của giai đoạn 2000 – 2001?

Dường như kể từ thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chương trình tăng lãi suất từ tháng 3 năm nay, diễn biến của đồng USD ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm hơn bao giờ hết.
Các chính sách của Fed thường sẽ tác động trực tiếp đến giá trị của đồng USD, mà đồng bạc xanh hiện vẫn là đồng tiền dự trữ và thanh toán quốc tế, nên sự tăng giá của đồng USD trong thời gian gần đây mang lại
khá nhiều rủi ro với nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.
Hiện chỉ số Dollar Index đang dao động ở mức 112 điểm, và không còn cách quá xa so với mức đỉnh 120 điểm của giai đoạn 2001 – 2002. Sự tương đồng giữa hai thời điểm là việc đồng bạc xanh đều tăng do những lo ngại về suy thoái, tuy nhiên điểm khác nhau nằm ở việc hiện nay Fed duy trì các chính sách tiền tệ thắt chặt, thay vì nới lỏng như hai thập kỷ trước đây.

Vai trò của đồng bạc xanh với các thị trường tài chính

Đồng USD thường được coi là một loại tài sản trú ẩn trong bối cảnh rủi ro vĩ mô gia tăng, đặc biệt là khi các thị trường tài chính trên toàn cầu sụt giảm mạnh như hiện nay. Rất nhiều quốc gia và các tổ chức tài chính
lớn trên thế giới nắm giữ đồng USD cũng như những loại tài sản an toàn được niêm yết bằng đồng bạc xanh, như trái phiếu Chính phủ Mỹ, bởi việc Fed mạnh tay tăng lãi suất sẽ khiến cho giá trị của đồng USD tăng
nhanh hơn so với các loại tiền tệ khác.
Ngoài ra, các khoản vay bằng đồng USD cũng rất phổ biến vì tính thanh khoản cao, tuy nhiên khi đồng USD tăng giá quá mạnh, nhiều doanh nghiệp nói riêng, và nền kinh tế nói chung sẽ đối mặt với những thách
thức nhất định. Trên thị trường hàng hoá, vì phần lớn các mặt hàng được niêm yết trên các Sở Giao dịch ở Mỹ, nên các giao dịch đều phải thực hiện bằng đồng USD.
Tất cả những lý do này đều phản ánh một sự phụ thuộc sâu sắc của thế giới với đồng USD.


Các chất xúc tác để đồng USD quay lại đỉnh cũ

Giới phân tích thường sử dụng chỉ số Dollar Index để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh. Khi Dollar Index tăng, đồng nghĩa với việc thị trường kỳ vọng vào việc Fed sẽ mạnh tay tăng lãi suất. Vì thế, dòng tiền vào các loại tài sản rủi ro như chứng khoán và tiền điện tử sẽ giảm bớt. Trong bối cảnh mà lãi suất đang là chủ đề nóng, các hoạt động giao dịch ngoại hối của các tổ chức tài chính cũng tăng lên. Theo Bloomberg, rất nhiều các quỹ đầu tư hiện đã giảm tỷ trọng giao dịch chứng khoán,
thay vào đó, phân bổ nhiều dòng vốn hơn cho thị trường ngoại hối.

Việc Fed sẽ duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ tới bao giờ đang là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm nhất. Hiện xác suất dự đoán Fed tăng lãi suát thêm 75 điểm trong cuộc họp tháng 11 đang áp đảo so với mức tăng 50 điểm cơ bản.
Thị trường cũng theo dõi sát sao các số liệu lạm phát của tuần này, và giới phân tích đang đưa ra dự đoán Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 sẽ tăng nhẹ so với tháng 8 nhưng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nếu số liệu giảm thấp hơn dự báo, đồng USD sẽ chịu sức ép trong ngắn hạn bởi thị trường sẽ tích cực hơn và dòng tiền quay trở lại với các loại tài sản rủi ro.
Tuy nhiên, khi tính tới các yếu tố gần đây như sự leo thang của cuộc chiến giữa Nga – Ukraine hay việc giá dầu tăng mạnh trở lại do OPEC+ cắt giảm sản lượng, có thể thấy rằng lạm phát khó có thể hạ nhiệt trong ngắn hạn, và Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và duy trì vị thế của đồng USD.
Hiện khó có Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới có thể theo kịp tốc độ tăng lãi suất của Mỹ, thay vào đó các nhà chức trách tìm cách bán dữ trữ ngoại hối để giả bớt rủi ro về tỷ giá.
Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì các chính sách Zero Covid, còn các nước tại khu vực Châu Âu vẫn phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng thì các Ngân hàng Trung ương sẽ khó có thể đạt được
sự hài hòa giữa việc kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, những rủi ro địa chính trị leo thang có thể khiến cho nhu cầu nắm giữ đồng USD tiếp tục tăng. Mỹ hiện vẫn là đối tác bán năng lượng quan trọng của Châu Âu, và khi các lệnh cấm vận với Nga có hiệu
lực, nhu cầu đối với việc nhập khẩu nhiên liệu từ Mỹ sẽ còn tăng mạnh hơn.
Trên những cơ sở này, việc đồng USD tăng giá và chỉ số Dollar Index quay lại mức đỉnh cũ sẽ không còn là một kịch bản bất khả thi, đồng nghĩa với việc thị trường tài chính trên toàn cầu sẽ còn đón nhận những pha rung lắc mạnh trong thời gian cuối năm nay.

Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *