Liệu thị trường dầu thô đã đạt được trạng thái cân bằng, khi nguồn cung còn quá nhiều điểm yếu?

Số liệu dự trữ dầu thô của OECD và công suất dự phòng của OPEC tiết lộ nhiều điều về tình trạng nguồn cung dầu trên toàn cầu.

Sau hai tuần liên tiếp giảm, sức mua đã quay trở lại thị trường dầu thô, và giúp cho giá của cả hai mặt hàng đều lấy lại những vùng giá quan trọng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, giá dầu thô WTI tăng 1,33% lên 100,74 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent cũng tăng 1,02% lên 107,35 USD/thùng.

Nếu như sức ép bán trên thị trường chủ yếu xuất phát từ lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu, thì chất xúc tác giúp cho giá dầu thô tăng thường không nằm ngoài nhưng yếu tố về nguồn cung.

Tồn kho dầu thô vẫn ở mức thấp bất chấp triển vọng nguồn cung cải thiện

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tháng 7 (STEO) ,Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính nguồn cung dầu toàn cầu đã bắt kịp và cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ kể từ quý II năm nay. Cụ thể, trong năm 2022, nguồn cung dầu sẽ đạt 100,33 triệu thùng/ngày trong khi mức tiêu thụ trung bình ước tính là 99,58 triệu thùng/ngày. Tuy vậy, mức thặng dư khiêm tốn chỉ 750.000 thùng/ngày hiện chưa đủ để xoa dịu những lo ngại về nguồn cung, nhất là trong bối cảnh số liệu tồn kho tiếp tục đáng lo ngại.

Báo cáo STEO cũng ước tính tồn kho dầu thô thương mại của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ tăng từ 2,64 tỷ thùng lên 2,82 tỷ thùng trong năm 2023, tuy nhiên mức dự trữ này vẫn thấp hơn gần 200 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm.

Vì thế, giá dầu thô mặc dù chịu sức ép trong một vài phiên sau báo cáo, nhưng vẫn neo được ở những vùng giá cao, khi mà các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng với các số liệu tồn kho.

OPEC – Mong manh hy vọng cuối cùng giữa muôn trùng nỗi lo

Các lệnh cấm vận của Châu Âu đối với Nga, cùng với việc Mỹ khó khăn trong việc gia tăng sản lượng đã khiến cho gánh nặng cân bằng cung cầu của thị trường dầu đặt hết lên vai của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Trong cuộc họp vào vào ngày 2/6, OPEC đã quyết định tăng sản lượng dầu thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8, tuy nhiên tổ chức này vẫn đang để ngỏ kế hoạch sản lượng trong thời gian còn lại của năm. Chuyến thăm mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Saudi Arabia, thành viên vốn được coi là lãnh đạo nhóm, đã kết thúc mà không có bất kỳ thông báo nào về việc quốc gia này sẽ tăng sản lượng dầu.

Chìa khoá về nguồn cung mà OPEC đang nắm giữ là công suất khai thác dự phòng – công suất tối đa có thể đưa vào sử dụng trong vòng 30 ngày và duy trì trong ít nhất 90 ngày. Đây là công cụ quan trọng, thường gắn liền với năng lực điều tiết giá dầu của OPEC.

Tuy nhiên, EIA ước tính công suất dự phòng hiện nay của OPEC đã giảm mạnh về dưới 3 triệu thùng/ngày. Đáng chú ý, công suất dự phòng ước tính trong năm 2022 và 2023 của nhóm hiện cũng đã giảm về dưới mức trung bình trong giai đoạn từ 2012 – 2021.

Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hiện là hai thành viên nắm giữ phần lớn công suất dự phòng, tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của OPEC, Arab Saudi hiện vẫn chưa thể đáp ứng được sản lượng đã cam kết, còn UAE cũng chỉ sản xuất ở mức vừa đủ so với hạn ngạch.

Trong tháng 6, sản lượng của Saudi Arabia là 10,65 triệu thùng/ngày, ít hơn 1,35 triệu thùng so với công suất tối đa là 12 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, không chỉ riêng Saudi Arabia, toàn nhóm OPEC vẫn sản xuất ít hơn 1,04 triệu thùng so với những cam kết đã đưa ra, vì thế, các thành viên sẽ chưa vội vàng sử dụng đến công suất dự phòng để gia tăng sản lượng.

Có thể thấy, thị trường dầu thô thế giới sẽ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn để đạt được trạng thái cân bằng về cung cầu, và ngay cả trong kịch bản tích cực, mức thặng dư cũng không quá đáng kể. Vì thế, giá dầu thế giới có thể sẽ không tăng mạnh như giai đoạn trước, nhưng vẫn có thể sẽ duy trì ở mức trung bình là 100 USD trong thời gian còn lại của năm.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *