GIỚI THIỆU SẢN PHẨM
Đường trắng còn gọi là đường ăn (hay đường tinh luyện), là sản phẩm cuối cùng của quá trình chế biến và tinh chế mía hoặc củ cải đường. Trong quá trình tinh chế, người ta loại bỏ nước, khoáng chất và các hợp chất có màu để có được đường tinh luyện. Sản phẩm phụ chứa các hợp chất đã loại bỏ trong quá trình tinh chế đường được gọi là mật mía, cũng là một loại đường.
Đường là một nguyên liệu cơ bản được dùng rộng rãi trong mọi mặt của đời sống. Đường được dùng để làm gia vị nêm nếm thức ăn, làm bánh kẹo, lên men rượu, sản xuất nhiên liệu sinh học, thành phần trong dược phẩm, phụ gia ngành dệt may,…
TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU TRÊN TOÀN CẦU CỦA ĐƯỜNG
Đường mía và đường củ cải là 2 loại đường phổ biến nhất trên thế giới, chiếm lần lượt gần 80% và 20% thị trường hiện nay. Brazil chiếm hơn 40% diện tích mía toàn thế giới do các chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh ngành mía đường của Chính phủ Brazil. Theo sau là Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Úc. Đây đều là những quốc gia đầu ngành trong sản xuất và xuất khẩu đường thế giới.
Khoảng 71% lượng đường tiêu thụ tại quốc gia sản xuất nên quy mô đường thương mại trên thế giới khá thấp và bị bảo hòa. Các quốc gia sản xuất lớn như Ấn Độ và Trung Quốc phải nhập thêm đường vì nhu cầu tiêu thụ nội địa quá lớn.
Top đầu các quốc gia sản xuất đường lớn nhất có Brazil và Ấn Độ – sản xuất khoảng một nửa nguồn cung đường toàn cầu. Đây cũng là 2 trong số 5 quốc gia xuất khẩu đường đứng đầu thế giới. Trong khi đó, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia là các quốc gia nhập khẩu đường hàng đầu.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁ ĐƯỜNG
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá đường bao gồm:
- Nguồn cung toàn cầu: Đường là một loại hàng hóa nên chịu sự tác động của quy luật cung cầu. Khi nhu cầu vượt quá cung sẽ khiến giá tăng hoặc nguồn cung dư thừa, giá sẽ giảm.
- Trợ cấp của chính phủ: Ngành công nghiệp đường có một lịch sử lâu dài về trợ cấp của chính phủ và thuế quan được sử dụng để bảo vệ các nhà sản xuất đường địa phương. Nếu các nước sản xuất đường lớn nhất ngừng trợ cấp cho người trồng, thì sản xuất có thể giảm và giá có thể tăng.
- Thời tiết: Lượng cung đường tập trung nhiều ở một số ít các quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, điều kiện thời tiết xấu ở các quốc gia này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung.
- Quan tâm về sức khỏe: Tiêu thụ đường có liên quan đến bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh tim, sâu răng và các bệnh khác. Những lo ngại về sức khỏe có thể dẫn đến việc giảm tiêu thụ đường và ảnh hưởng trực tiếp đến giá.
- Chính sách sản xuất Ethanol: Đường có thể được sử dụng như một thành phần để tạo ra nhiên liệu sinh học ethanol. Vì ethanol cạnh tranh với xăng dầu, nên nhu cầu của nó thường di chuyển ngược với giá xăng dầu. Do đó, giá dầu giảm có thể làm giảm nhu cầu đường và ngược lại.
- Giá đô la Mỹ (USD): Đường được niêm yết giá bằng đô la Mỹ. Đồng đô la Mỹ yếu sẽ nâng giá đường lên và ngược lại.
- Giá đồng Real Brazil (BRL): Brazil sản xuất và xuất khẩu lượng đường lớn nên biến động của đồng tiền có thể có tác động lớn đến giá đường. Khi giá đồng Real suy yếu, nông dân Brazil sản xuất nhiều đường hơn để xuất khẩu sang các nước có tiền tệ mạnh và sức mua lớn hơn. Khi sức mạnh đồng Real lớn, nông dân Brazil có nhiều khả năng sẽ bán đường ở thị trường nội địa.