Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/06, nhìn chung, các mặt hàng được giao dịch liên thông thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) diễn biến trái chiều. Duy nhất với nhóm nông sản, cả 7 loại hàng hoá đều đóng cửa trong sắc xanh, kéo theo chỉ số MXV-Index có phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,63% lên 2.800,33 điểm.
Giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh trở lại sau phiên sụt giảm trước đó, đạt mức hơn 4.600 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền phân bổ nhiều nhất vào nhóm năng lượng trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung gây áp lực trở lại đối với giá các mặt hàng trong nhóm.
Giá dầu tăng trước lo ngại về công suất sản xuất eo hẹp
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 2% lên 111,76 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2,54% lên 113,8 USD/thùng.
Trong cuộc gặp họp thượng đỉnh của nhóm G7 ngày hôm qua, Tổng thống Pháp Macron lại cho biết Ả-rập-xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất UAE đã hoạt động ở mức “tối đa” và “không có nhiều công suất”. Điều này khiến cho G7 nói chung khó có thể mong đợi OPEC+ sẽ tăng sản lượng hạn ngạch nhiều hơn nữa trong cuộc họp ngày mai 30/06.
Bên cạnh đó, việc G7 xem xét áp đặt trần giá lên dầu nhập khẩu từ Nga cũng là thông tin hỗ trợ giá dầu. Việc áp dụng các biện pháp mới để giảm doanh thu từ dầu khí của Nga có thể khiến các nước đối mặt với các biện pháp “trả đũa”, tương tự việc Nga giảm bớt lượng khí tự nhiên cho châu Âu đã khiến giá năng lượng tại khu vực này tăng lên đáng kể.
Đặc biệt hiện tại Trung Quốc đã tiến hành cắt giảm thời gian cách ly đối với với khách du lịch nói chung lẫn người đang cách ly tập trung. Đây là một trong các phản ứng mới của Trung Quốc để nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid-19, và có thể giúp cho du lịch, giao thông, lẫn giao thương của nước này phục hồi, và sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu.
Nhóm đậu tương tiếp tục đà tăng mạnh
Giá đậu tương duy trì đà tăng hơn 2%, mức tăng mạnh nhất trong tháng 6. Triển vọng sản lượng mùa vụ của Mỹ năm nay có thể thấp hơn dự kiến là yếu tố đã giúp giá phục hồi trở lại sau tuần giảm mạnh vừa qua. Trong khi đó, giá dầu đậu tương cũng tăng mạnh 1,64% do được hỗ trợ từ diễn biến giá dầu thô và dầu cọ. Dù chịu áp lực từ diễn biến dầu đậu, giá khô đậu tương vẫn tăng hơn 1,5% trong phiên ngày hôm qua theo diễn biến chung của cả thị trường.
Mới đây, trong báo cáo Tiến độ mùa vụ mới nhất được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành, 67% đậu tương được đánh giá ở mức tốt – tuyệt vời, thấp hơn so với mức 70% theo kỳ vọng của thị trường. Nắng nóng tại các bang phía nam đã đe doạ tới năng suất cây trồng khiến cho triển vọng mùa vụ tại Mỹ trở nên không mấy tích cực. Bên cạnh đó, Hiệp hội xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) đã hạ dự báo xuất khẩu đậu tương trong tháng 6 của nước này xuống 10,15 triệu tấn, từ mức 10,80 triệu tấn trong báo cáo tuần trước. Các yếu tố gây sức ép lên nguồn cung đã hỗ trợ cho giá đậu tương tăng trong phiên.
Tương tự, dầu đậu tương cũng đóng cửa phiên giao dịch trong sắc xanh. Được biết, giá dầu cọ giảm mạnh nhất trong hơn 13 năm qua đã khiến các nhà máy xay xát tại Malaysia tạm ngừng sản xuất trong 1 ngày đến 1 tuần. Lo ngại về nguồn cung dầu cọ bị thắt chặt được đẩy lên cao, từ đó củng cố đà tăng của giá dầu cọ và hỗ trợ gián tiếp đến đà tăng của giá dầu đậu tương.
Giá khô đậu cũng có 1 phiên tăng mạnh do tăng nhu cầu nhập khẩu tại châu Âu. Cụ thể, trong báo cáo mới nhất của Uỷ ban châu Âu (EC), nhập khẩu khô đậu trong tuần kết thúc vào ngày 26/06 đạt mức 16,16 triệu tấn, cao hơn 0,12 triệu tấn so với tuần trước đó.
Giá ngô và lúa mì phục hồi trở lại
Giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 12 hồi phục trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 04 trong phiên đầu tuần. Số liệu không khả quan từ báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) và yếu tố nguồn cung thắt chặt tại Brazil đã hỗ trợ đà tăng của giá ngô.
Báo cáo Tiến độ mùa vụ trong tuần từ 20/06 đến 26/06 cho thấy, chất lượng ngô của Mỹ đã giảm 3% so với tuần trước đó, xuống còn 67% diện tích đạt tốt – tuyệt vời. Đáng chú ý, số liệu này cũng thấp hơn so với mức 69% dự đoán của thị trường. Điều này đã phản ánh nguy cơ của các đợt nắng nóng gần đây đối với triển vọng vụ mùa ngô của Mỹ và giá mở cửa tạo cách biệt ngay từ đầu phiên.
Bên cạnh đó, Hiệp hội xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo nước này sẽ xuất khẩu 1,68 triệu tấn ngô trong tháng 06. Số liệu này hiện đang thấp hơn mức 1,76 triệu tấn trong báo cáo tuần trước, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung ngô từ Brazil trong ngắn hạn và đã hỗ trợ đà tăng của giá trong phiên.
Đối với lúa mì hợp đồng tháng 09, giá quay đầu tăng trở lại trong phiên hôm qua và chấm dứt chuỗi 6 phiên suy yếu liên tiếp.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan cho biết, kế hoạch vận chuyển 20 triệu tấn ngũ cốc ra khỏi Ukraine từ giờ đến cuối tháng 07 của Liên minh châu Âu (EU) là không khả thi bởi có rất ít tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các đề xuất của Mỹ và EU. Dòng chảy ngũ cốc từ Biển Đen vẫn đang là nỗi lo ngại của thị trường và hỗ trợ cho giá lúa mì bật tăng trở lại.
Tại thị trường nội địa, trong khi giá heo hơi miền Bắc không có sự thay đổi, giá heo khu vực miền Trung và Tây Nguyên có sự tăng giá mạnh từ 1.000 – 3.000 VND/kg. Trên cả nước, giá heo dao động trong khoảng rộng từ 52.000 – 58.000 VND/kg. Kể từ ngày 1/7, một số các công ty thức ăn chăn nuôi sẽ tăng giá và đây là lần điều chỉnh tăng thứ 6 trong năm 2022. Điều này sẽ gây áp lực lên giá heo trong thời gian tới.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)