Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đón nhận lực mua rất tích cực trong tuần vừa qua.
Đóng cửa, 23 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt tăng giá, đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index đảo chiều tăng mạnh 3,56% lên 2.430 điểm, vùng cao nhất kể từ đầu tháng 01. Đặc biệt, lực mua áp đảo ở nhóm năng lượng và kim loại với một loạt mặt hàng ghi nhận các mức tăng mạnh nhất trong vòng nhiều tháng. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 3.500 tỷ đồng mỗi phiên.
Giá dầu ghi nhận mức tăng theo tuần lớn nhất trong hơn 3 tháng
Kết thúc tuần giao dịch ngày 09/01 – 15/01, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng giá trước kỳ vọng nhu cầu sẽ sớm bùng nổ, đặc biệt là trên thị trường nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc, trong khi thời tiết mùa đông không quá lạnh tại khu vực châu Âu làm giảm nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên và gây sức ép tới giá. Dầu WTI gần như lấy lại giá trị đã đánh mất trong tuần trước đó, tăng 8,26% trong tuần qua, đạt mức 79,86 USD/thùng. Đây cũng là mức tăng hàng tuần lớn nhất trong vòng 3 tháng. Dầu Brent tăng 8,54% lên mức 85,28 USD/thùng.
Lực mua được thúc đẩy chủ yếu do các tín hiệu tiêu thụ lạc quan tại Trung Quốc, với nhu cầu đi lại nhiều hơn khi quốc gia này mở cửa biên giới. Vào đầu tuần, nhà tiêu thụ số một thế giới ban hành một đợt hạn ngạch mới lên tới 111,82 triệu tấn cho các công ty nhập khẩu dầu. Như vậy, Trung Quốc đã ban hành tổng cộng 132 triệu tấn dầu thô nhập khẩu trong hai hạn ngạch riêng biệt cho năm 2023, cao hơn so với mức 109 triệu tấn của năm ngoái. Điều này có thế thúc đẩy nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại các nhà máy, và hỗ trợ cho giá. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu nhiên liệu tinh chế trong tháng 12, bao gồm cả dầu nhiên liệu hàng hải, ở mức 7,7 triệu tấn, cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020 và tăng 25% so với tháng 11. Ngân hàng Goldman Sachs và nhà quản lý quỹ đầu cơ Pierre Andurand đều đưa ra dự báo giá dầu có thể chạm mốc 110 USD khi các kinh tế tại châu Á, dẫn đầu bởi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn.
Tác động từ Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã không thể cản trở đà tăng của giá dầu trước các kỳ vọng tích cực về năng lực tiêu thụ tại Trung Quốc. EIA điều chỉnh tăng nguồn cung dầu trong quý I, III và IV của năm nay thêm 0,1% so với báo cáo trước, đưa mức sản lượng năm 2023 đạt 101,06 triệu thùng/ngày, chủ yếu là do sự gia tăng sản lượng của Mỹ và các nước Non-OPEC. Trong khi đó, cơ quan này đã điều chỉnh giảm mạnh đồng loạt mức tiêu thụ trong cả 4 quý năm nay so với báo cáo trước đó, đưa mức tiêu thụ trung bình năm 2023 đạt 100,48 triệu thùng/ngày. Như vậy, thị trường dầu được dự báo sẽ thặng dư khoảng hơn 0,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và năm 2024. Giá dầu cũng đã gặp áp lực nhất định sau báo cáo, nhưng lực mua vẫn chiếm ưu thế trở lại vào cuối tuần.
Củng cố thêm đà tăng của giá dầu là dữ liệu lạm phát của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 12, với chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm nhẹ 0,1% so với tháng 11, làm gia tăng niềm tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất chậm lại trong giai đoạn tới. Dollar Index đã giảm 1,61% xuống mức 102 điểm trong tuần qua. Đồng USD suy yếu cũng đã củng cố thêm đà tăng của giá dầu.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho giá là lo ngại về nguồn cung từ phía Nga, khi mà còn 24 ngày nữa, nhóm nước G7 sẽ áp đặt mức trần đối với mức giá mà các nhà máy lọc dầu của Nga được phép bán nhiên liệu sản xuất. Điều này được nhận định sẽ làm phức tạp hoá dòng chảy sản phẩm từ dầu còn hơn cả lệnh cấm dầu thô hồi tháng 12. Trong khi đó, nguồn cung tại Mỹ vẫn chỉ tăng rất khiêm tốn trong tuần qua. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng 3 lên 775 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 13/01 sau khi giảm mạnh trong tuần trước đó.
Trong tuần này, thị trường dầu thô được dự báo cũng sẽ có những biến động mạnh trước 2 báo cáo tháng quan trọng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Bên cạnh đó, dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội GDP quý IV của Trung Quốc cũng sẽ phản ánh một phần bức tranh tăng trưởng của quốc gia đang được kỳ vọng rất nhiều về sự bùng nổ trong nhu cầu trong thời gian tới, cũng là ảnh hưởng lớn tới giá dầu.
Thị trường kim loại thăng hoa trước tiềm năng tiêu thụ của Trung Quốc
Sắc xanh tiếp tục áp đảo bảng giá kim loại trong tuần vừa qua. Với nhóm kim loại quý, thị trường chứng kiến sự phân hóa nhẹ với giá bạc tăng 1,63% lên 24,37 USD/ounce. Trái lại, giá bạch kim giảm 2,88% về 1072,5 USD/ounce.
Động lực tăng trưởng lớn nhất của các mặt hàng kim loại quý vẫn đến từ sự suy yếu của đồng USD, khi mà các số liệu về lạm phát hạ nhiệt củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Chỉ số Dollar Index lao dốc 1,61% về 102,2 điểm, mức thấp nhất mới kể từ đầu tháng 6/2022. Đáng chú ý, đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng 6 tuần của chỉ số này.
Sự suy yếu của đồng bạc xanh làm cho chi phí nắm giữ và đầu tư các mặt hàng kim loại quý giảm bớt. Dòng tiền luân chuyển nhiều vào hai mặt hàng là vàng và bạc, bởi đây là hai kim loại vừa có tiềm năng tăng giá và vừa có vai trò trú ẩn hàng đầu trong bối cảnh những rủi ro vĩ mô vẫn còn.
Trong khi đó, sức mua trên thị trường bạch kim yếu hơn xuất phát từ việc dòng tiền thường sẽ được ưu tiên hơn cho thị trường vàng và bạc trước. Đồng thời, giá bạch kim bị ảnh hưởng bởi lực chốt lời khi đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 và chịu sức ép từ việc doanh số bán xe ô tô giảm trong tháng 12 vừa qua.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, phần lớn các mặt hàng bứt phá mạnh mẽ nhờ sự suy yếu của đồng USD và triển vọng phục hồi của Trung Quốc. Giá đồng tăng 7,8% lên 4,21 USD/pound, và giá quặng sắt tăng 6,94% lên 123,59 USD/tấn. Đáng chú ý, nhôm và thiếc đều tăng hơn 13% lên lần lượt 2595 USD/tấn và 28,756 USD/tấn.
Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như nới lỏng hạn chế “Ba lằn ranh đỏ” và cho phép nới lỏng các hạn ngạch phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để thúc đẩy sự phục hồi của ngành xây dựng và bất động sản.
Bên cạnh đó, cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) đều giảm, phản ánh áp lực lạm phát thấp, và có thể giúp các nhà chức trách có nhiều cơ hội hơn để nới lỏng các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế. Xét về tồn kho, mức dự trữ tại Sở LME chỉ còn hứa 654.345 tấn kim loại vào cuối tháng 12/2022, ít hơn một nửa so với cuối năm 2021. Tồn kho của Sở Thượng Hải cũng kết thúc năm ở mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu tiêu thụ kim loại của Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng, trong bối cảnh tồn kho thấp và khả năng gia tăng nguồn cung giới hạn sẽ là các yếu tố củng cố đà tăng cho các mặt hàng kim loại cơ bản. Hiện, hoạt động sản xuất đồng tại Peru, nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn vì tình trạng biểu tình tại các mỏ lớn như Las bambas hay Atnt Apac Cay.
Kỳ vọng tích cực về bức tranh cung cầu, giá hàng hoá có thể bùng nổ vào nửa cuối năm nay
Kỳ vọng tích cực về bức tranh nhu cầu cho các mặt hàng kim loại và năng lượng, sau khi quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc mở cửa đang là động lực chính thúc đẩy đà tăng của giá, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào quan trọng như dầu thô, sắt thép hay nhôm đồng. Xu hướng giá trong giai đoạn tới vẫn sẽ là phục hồi, nhưng sẽ có những nhịp điều chỉnh giảm nhẹ do tồn tại một số gián đoạn trong hoạt động sản xuất, và áp lực chi phí vay tăng cao từ các nền kinh tế phương Tây. Nhìn chung, giá hàng hoá đang dần thoát khỏi giai đoạn tích lũy đi ngang, và có thể bùng nổ mạnh mẽ hơn vào giai đoạn khoảng nửa cuối năm.