Tại sao giá hàng hóa quay đầu sau số liệu GDP “tích cực” của Trung Quốc?

Thoạt nhìn qua, con số GDP quý III của Trung Quốc khá tích cực, với quý III tăng trưởng 3.9%, cao hơn so với kỳ vọng 3.5% của thị trường. Thặng dư thương mại cũng đạt 84.74 tỷ USD, cao hơn so với dự đoán 81 tỷ USD. Tuy vậy, bóc tách từng số liệu và xét theo tính thời điểm, có thể thấy các số liệu đang vẽ ra một bức tranh kinh tế tương đối ảm đạm.
Thứ nhất, GDP của Trung Quốc ở mức 3.9% cho thấy chắc chắn nước này sẽ không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5.5% đề ra từ đầu năm. Bên cạnh đó, dù tích cực hơn dự đoán, đây vẫn là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong thập kỷ.

Ngoài ra, bóc tách đơn giản với công thức GDP = C+I+G+NX, ta có thể thấy không một thành phần nào của số liệu GDP cho thấy sự tăng trưởng vững mạnh. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 9 chỉ tăng
2.5%, thấp hơn so với kỳ vọng tăng 3.3% mà Reuters đưa ra. Một loạt các thành phố vẫn còn rơi vào tình trạng phong tỏa khiến cho nhu cầu tiêu dùng của người dân khó mà tăng, và con số tăng trưởng doanh thu
bán lẻ thấp hơn CPI phần nào cho thấy tăng trưởng doanh số bán lẻ hầu như chỉ phản ánh mức tăng của giá cả hàng hóa. Hơn thế nữa, thất nghiệp tăng từ 5.3% lên 5.5% báo hiệu sức mua sẽ còn giảm trong thời
gian tới.

Đối với đầu tư cả lĩnh vực tư và công,có thể thấy rõ sự suy yếu trong tâm lý doanh nghiệp, bất chấp các biện pháp hỗ trợ. Đầu tư vào tài sản cố định tăng 5.9% trong chín tháng đầu năm. Tuy nhiên, doanh số bán bất
động sản, tính theo diện tích sàn, đã giảm 22% và các công trình xây dựng mới khởi công giảm 38% trong khi đầu tư bất động sản giảm 8%. Năm 2021, đầu tư bất động sản đạt 14.8 nghìn tỷ NDT, chiếm 27% đầu tư
tài sản cố định, do đó có thể nói bất động sản là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, giá bất động sản giảm 9 tháng liên tiếp từ đầu năm chắc chắn tạo ra tín hiệu xấu đối với thị trường.
Vốn dĩ các nhà hoạt động chính sách đã cố thúc đẩy nền kinh tế, như thúc đẩy việc hoàn thiện các dự án xây dựng dang dở, hay giảm thuế, giảm cả lãi suất đi vay, tuy nhiên việc thiếu vắng các gói chi tài chính lớn
khiến cho hiệu quả của chính sách hỗ trợ không cao.
Trong khi đó, mặc dù xuất khẩu tăng 5.7%, cao hơn so với kỳ vọng 4.1% của thị trường, nhưng nhập khẩu chỉ tăng 0.3%, thấp hơn nhiều so với cả kỳ vọng tăng 1%. Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc chủ
yếu là các nguyên liệu thô để phục vụ cho sản xuất, cho nên nhập khẩu suy yếu phản ánh cả tiêu thụ lẫn triển vọng xuất khẩu yếu kém trong giai đoạn tới, và tác động tiêu cực đến thị trường hàng hóa. Đây là lý do
khiến cho giá một loạt các hàng hóa như dầu và đồng quay đầu giảm sau nhịp tăng đầu phiên. Trung Quốc tiêu thụ tới 50% lượng đồng và 14% lượng dầu thế giới, do đó triển vọng tiêu cực của kinh tế nước này
thường gây ảnh hưởng lớn tới giá cả trong phiên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *