Thị trường hàng hóa khởi sắc sau ngày nghỉ lễ Giáng sinh

Dầu đậu tương

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá hàng hoá nguyên liệu thế giới diễn biến tương đối giằng co trong ngày hôm qua (27/12) sau ngày nghỉ lễ Giáng sinh.

Mặc dù sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, tuy nhiên, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index đóng cửa tăng 0,77% lên 2.450 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ở mức trên 2.400 tỷ đồng.

Chú thích ảnh

Nguồn cung năng lượng ở Châu Âu đáng lo ngại hơn so với Mỹ, giá dầu Brent tăng mạnh hơn WTI

Giá dầu ít thay đổi trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, phản ánh phần nào tâm lý lưỡng lự của các nhà đầu tư trước một loạt các tin tức cơ bản về cung cầu. Kết thúc phiên 27/12, giá dầu WTI chỉ giảm nhẹ 0,04% về 79,53 USD/thùng, trong khi đó giá dầu Brent tăng nhẹ 0,21% lên 84,68 USD/thùng.

Chú thích ảnh

Sức mua xuất hiện ngay từ phiên sáng và đã có lúc đưa giá lên mức cao nhất trong vòng ba tuần khi các nhà máy lọc dầu ở Mỹ phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của cơn bão tuyết mùa đông lịch sử.

Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc, tiếp tục có những nới lỏng đối với các hạn chế chống dịch Covid – 19. Cụ thể, du khách đến đây sẽ không còn phải tiến hành cách ly 5 ngày như trước, mà chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ. Động thái này làm tươi sáng bức tranh tiêu thụ đối với xăng và nhiên liệu bay.

Tuy nhiên, càng về cuối phiên, sức ép bán xuất hiện nhiều hơn khi các nhà đầu tư bắt đầu thận trọng đánh giá mức độ ảnh hưởng của các tin tức kể trên. Các nhà máy lọc đầu tại Texas, đã bắt đầu khôi phục hoạt động và tăng cường sản xuất sau khi sự cố đóng băng buộc họ phải tạm dừng vào tuần trước.

Mỹ cũng đã từng trải qua các sự cố tương tự vào giai đoạn tháng 2 năm 2021, khi mà mùa đông lạnh giá cũng gây ra những gián đoạn về nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá rằng, sự cố lần này nhẹ hơn rất nhiều và sản lượng dầu sẽ được phục hồi nhanh chóng. Lo ngại giảm bớt cũng khiến cho đà tăng của giá dầu bị chững lại.

Trong phiên hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký một sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm lọc dầu cho các quốc gia tham gia thực hiện mức giá trần. Việc hạn chế xuất khẩu của Nga có thể sẽ bắt đầu từ ngày 1/2 và kéo dài trong vòng 5 tháng.

Lo ngại về việc Nga có thể cắt giảm sản lượng hỗ trợ cho giá dầu Brent nhiều hơn so với giá dầu WTI. Dù vậy, tin tức này chưa cải thiện đáng kể sức mua, bởi các nước châu Âu đã có sự chuẩn bị và đối sách cho vấn đề này. Chính phủ Đức tự tin rằng một nhà máy lọc dầu chủ chốt là PCK Schwedt, nơi cung cấp nhiên liệu cho Berlin và các vùng phía đông của đất nước đã sẽ có thể sản xuất mà không cần dầu của Nga kể từ tháng 1 năm sau.

Giá khí tự nhiên cũng tăng 2,77% khi mà nhu cầu tiêu thụ để sưởi ấm vẫn cao, còn nguồn cung vẫn bị gián đoạn nghiêm trọng vì tình hình đóng băng tại các đường ống dẫn.

Thị trường nông sản sôi động sau ngày nghỉ lễ

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, giá ngô đã bật tăng gần 1%. Trong bối cảnh các thông tin nghiêng về hướng hỗ trợ, lực mua đã hoàn toàn áp đảo thị trường trong ngày hôm qua.

Chú thích ảnh

Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết, hiện có 99 tàu vận tải đang chờ được kiểm tra an ninh tại eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý, một số tàu đã phải chờ hơn một tháng. Phía Ukraine tố cáo đây là hành động cố ý của phái đoàn Nga khi nước này giảm số lượng thanh tra xuống còn 3 người, sau đó bắt đầu kéo dài thời gian các cuộc kiểm tra an ninh bằng việc kiểm tra các thông số không được quy định như lượng nhiên liệu. Điều này đang khiến việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine chậm chạp hơn trong thời gian gần đây. Ngoài ra, trong báo cáo mới đây, Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Mỹ đã bán đơn hàng 177.500 tấn ngô cho Nhật Bản. Đây cũng là yếu tố đã hỗ trợ giá ngô duy trì đà tăng trong phiên vừa rồi.

Khác với ngô, lúa mì đóng cửa phiên ngày hôm qua với mức biến động nhỏ. Dù cũng bật tăng khi bắt đầu trở lại giao dịch, tuy nhiên, giá đã phải chịu sức ép từ vùng kháng cự 780 cents. Những thông tin trái chiều về nguồn cung là nguyên nhân khiến giá biến động giằng co.

Tại Mỹ, cơn bão tuyết khủng khiếp vẫn đang khiến nông dân lo ngại rằng vụ mùa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Bloomberg, cơn bão lần này đã mang đến gió và nhiệt độ thấp đến mức nguy hiểm, đe dọa đến cây trồng và máy móc. Mặc dù lúa mì là loại cây trồng có khả năng chống chịu khá tốt, tuy nhiên, nhiệt độ đột ngột giảm mạnh khi không có đủ lớp tuyết bao phủ có thể khiến cây bị chết hoàn toàn. Điều này là nguyên nhân lý giải cho đà tăng từ khi mở cửa của lúa mì. Ở hướng ngược lại, lo ngại về nguồn cung đã phần nào giảm bớt khi Nga đẩy mạnh bán hàng trong tháng này. Công ty tư vấn SovEcon trích dẫn dữ liệu thu thập từ các cảng biển cho thấy, khoảng 1,1 triệu tấn ngũ cốc Nga đã được xuất khẩu trong tuần vừa rồi, tăng từ mức 840.000 tấn trong tuần trước nữa. Cơ quan này vừa tăng dự báo xuất khẩu lúa mì của Nga trong tháng 12 lên 4,1 triệu tấn, từ 3,9 triệu tấn trong tuần trước. Con số này cũng cao hơn khối lượng xuất khẩu trung bình của Nga trong giai đoạn này là 3,2 triệu tấn. Đây là yếu tố khiến giá chịu sức ép và quay đầu sụt giảm trở lại.

Dầu đậu tương tiếp tục là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trong phiên hôm qua. Tồn kho dầu cọ ở Malaysia và Indonesia đều được dự báo sẽ sụt giảm trong đầu năm 2023 là yếu tố hỗ trợ mạnh đối với nhóm dầu thực vật. Ngược lại, áp lực trái chiều cùng với nhu cầu thức ăn chăn nuôi suy yếu của Trung Quốc đã khiến giá khô đậu giảm nhẹ.

Giá thức ăn chăn nuôi sẽ bước vào chu kỳ tăng mới?

Trên thị trường nội địa, giá nông sản được chào bán tại cảng Cái Lân chưa có thêm biến động kể từ ngày nghỉ lễ cuối tuần trước. Theo đó, khô đậu tương dao động trong khoảng 14.700 đồng/kg cho kỳ hạn giao các tháng đầu năm sau. Trong khi đó, giá ngô Mỹ cũng giữ ở mức 8.500 đồng/kg. Theo MXV, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều đang có dấu hiệu bước vào một xu hướng tăng mới. Giai đoạn quý I hàng năm thường là thời điểm giá nông sản thế giới được hỗ trợ mạnh do lo ngại về yếu tố thời tiết ảnh hưởng tới nguồn cung. Do đó, các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước nên chuẩn bị kế hoạch mua hàng để đảm bảo nguồn nguyên liệu nhập khẩu và phòng ngừa rủi ro tăng giá trước khi bước vào năm 2023.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *