Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (ngày 3/4), lực mua mạnh trên thị trường năng lượng đã kéo chỉ số hàng hoá MXV- Index tiếp tục tăng 1,2% lên 2.333 điểm, nối dài đà tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 5.200 tỷ đồng
Giá dầu tăng hơn 6%
Giá dầu thô bật tăng lên mức cao nhất trong gần một tháng sau động thái cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Kết thúc phiên 03/04, giá dầu thô WTI tăng 6,28% lên 80,42 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 6,31% lên 84,93 USD/thùng.
Sức mua mạnh mẽ ngay từ khi mở cửa tuần, OPEC, và các đồng minh bao gồm Nga công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 5 cho tới hết năm nay. Saudi Arabia và Nga là hai nước tiên phong trong đợt cắt giảm này, với mỗi nước có kế hoạch hạ sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày, cùng với các thành viên khác như Các Tiểu Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iraq, Kuwait, Algeria, Oman, Kazakhstan và Gabon.
Các cam kết sẽ nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ kể từ tháng 11 lên 3,66 triệu thùng/ngày, bao gồm cả việc cắt giảm 2 triệu thùng vào tháng 10 năm ngoái, tương đương khoảng 3,7% nhu cầu toàn cầu.
Động thái này khiến cho những lo ngại về nguồn cung gia tăng, và ngay cả Mỹ cũng khó có thể đẩy nhanh tốc độ sản xuất để bù đắp khoảng trống mà OPEC+ để lại. Hiện sản lượng dầu của Mỹ là 12,2 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn khoảng 500.000 thùng/ngày so với mức trước đại dịch.
Theo trang tin Bloomberg, đợt cắt giảm này sẽ xóa sạch thặng dư nguồn cung hiện tại và đẩy thị trường dầu mỏ vào tình trạng thâm hụt sâu hơn kể từ quý III của năm nay. Ước tính của Bloomberg cũng cho thấy, mức thâm hụt trong quý IV sẽ tăng lên 1,87 triệu thùng/ngày, cao hơn gần 60% so với mức 1,17 triệu thùng trong kịch bản OPEC+ không cắt giảm.
Nhiều tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ cán mốc 95 USD/thùng vào tháng 12, và Ngân hàng UBS nâng ước tính giá dầu lên 100 USD/thùng vào tháng 6. Các nhà phân tích còn dự báo, giá dầu Brent tăng có thể thúc đẩy giá dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga lên mức cao hơn mức giới hạn do G7 đặt ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng trấn an người dân, tuy nhiên, đợt cắt giảm có phần bất ngờ này của OPEC+ có thể khiến cho giá xăng ở Mỹ tăng trở lại mức 4 USD/gallon (3,79 lít) từ mức 3,50 USD/gallon hiện nay. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng bày tỏ rằng đợt cắt giảm của OPEC+ sẽ gia tăng thêm gánh nặng lạm phát và trở thành một lực cản đối với tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho biết việc cắt giảm có nguy cơ làm trầm trọng thêm một thị trường căng thẳng và đẩy giá dầu lên cao trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là châu Âu.
Giá năng lượng leo thang trở lại sẽ gây áp lực lên các Ngân hàng Trung ương trên thế giới trong việc điều hành các chính sách tiền tệ. Công cụ theo dõi của CME cho thấy kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5 đang áp đảo so với kịch bản giữ nguyên. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nếu tình trạng lạm phát không bớt nóng.
Nền kinh tế trên toàn cầu vốn đang tăng trưởng chậm lại, thì nay nguy cơ suy thoái lại tăng lên. Tại Mỹ, áp lực từ các đợt tăng lãi suất của Fed khiến hoạt động sản xuất trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm do số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm. Theo số liệu của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM), chỉ số PMI sản xuất đã giảm về mức 46,3 điểm, thấp hơn cả tháng trước và ước tính. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Giá dầu có thể giảm trở lại trong trung và dài hạn, nếu nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại do áp lực từ chính sách tiền tệ khiến nhu cầu tiêu thụ suy yếu mạnh hơn nguồn cung.
Cà phê Arabica tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tiên trong tuần, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cà phê Arabica tạo bất ngờ khi dẫn đầu đà tăng của nhóm trong khi sự bùng nổ của giá dầu hỗ trợ giá đường thô xác lập kỷ lục giá cao mới.
Bất chấp việc thị trường đang kỳ vọng sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 sắp thu hoạch sẽ nới lỏng hơn 2 kỳ trước đó, Arabica bất ngờ bật tăng mạnh 3,37% sau khi chạm mức thấp nhất trong 2 tháng. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE London giảm về mức thấp nhất trong 3 tháng rưỡi tại mức 742.609 bao loại 60kg, đã phần nào hỗ trợ giá trong phiên hôm qua.
Nhờ lực kéo từ Arabica cũng như lo ngại về khan hiếm nguồn cung giúp giá Robusta tiếp tục khởi sắc với mức tăng 1,04% trong phiên hôm qua. Mặc dù Brazil đã bắt đầu thu hoạch, sản lượng được Conab dự báo có sự suy yếu nhẹ so với năm 2022. Cùng với đó, cảnh báo của Reuters về sự khan hiếm nguồn cung tại Việt Nam và Indonesia khiến cho thị trường chứng kiến bức tranh chung về sự thu hẹp nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ đà tăng của giá.
Sau khi chạm mức cao nhất trong hơn 6 năm, giá đường thô tiếp tục khởi sắc trong phiên hôm qua nhưng mức tăng đã có sự điều chỉnh với mức tăng nhẹ 0,67%. Thị trường tiếp tục bị chi phối bởi lo ngại thiếu hụt nguồn cung khi các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc đều dự báo sản lượng sẽ giảm trong niên vụ hiện tại. Bên cạnh đó, giá dầu thô bật tăng mạnh trong phiên hôm qua cũng kéo theo xu hướng tăng của giá đường.
Giá cà phê nội địa lấy lại đà tăng
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng trở lại với mức tăng 400 đồng/kg. Theo đó cà phê trong nước được thu mua trong khoảng 48.600 – 49.000 đồng/kg; cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê trong tháng 3 của nước ta tăng 9,24% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 230.000 tấn. Qua đó, đưa xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu niên vụ hiện tại 2022/2023 lên đạt xấp xỉ 977.913 tấn, tăng 2,12% so với cùng kỳ niên vụ trước.