Báo cáo tháng 12 nhiều khả năng sẽ ít ảnh hưởng tới xu hướng trong trung hạn của giá lúa mì
Triển vọng nguồn cung và nhu cầu đối với lúa mì niên vụ 22/23 của Mỹ trong báo cáo hôm nay không thay đối so với tháng trước. Mặc dù vậy, vẫn có sự bù trừ giữa xuất khẩu lúa mì HRS và lúa mì trắng cao hơn,trong khi xuất khẩu lúa mì SRW thấp hơn.
Đối với số liệu của thế giới, USDA đã cắt giảm dự báo nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ và tồn kho cuối niên vụ 22/23 trong khi hoạt động thương mại được cải thiện. Mức cắt giảm sản lượng của Argentina và Canada chỉđược bù đắp một phần bởi sự cải thiện sản lượng tại Australia. Thời tiết khô hạn kéo dài là nguyên nhân khiến cả diện tích thu hoạch và năng suất lúa mì tại Argentina bị cắt giảm. Mặc dù vậy, do không phải là thông tin mới nên đã không gây bất ngờ cho giới phân tích. Số liệu dự báo sản lượng mới nhất của Argentina đang ở mức thấp nhất kể từ niên vụ 2015/16.
Về nhu cầu, tiêu thụ lúa mì toàn cầu bị cắt giảm 1.6 triệu tấn so với báo cáo tháng 11, chủ yếu do nhu cầu TĂCN thấp hơn ở EU và Ukraine. Trong khi đó, xuất khẩu lúa mì thế giới tăng 2.2 triệu tấn khi mức cải thiện của khối lượng xuất khẩu của Australia, Ukraine, EU và Nga cao hơn so với sự sụt giảm xuất khẩu của Argentina.
Theo nhận định của chúng tôi, số liệu trong báo cáo hôm nay sẽ có tác động hạn chế lên diễn biến giá khi mà chỉ phản ánh những thông tin có sẵn và không có tính bất ngờ. Bên cạnh đó, các sự thay đổi so với báo cáo tháng 11 nhiều khả năng sẽ không đủ mạnh để giúp giá lúa mì Cbot thoát ra khỏi phạm vi giao dịch hiện tại.
Đà giảm của ngô có khả năng sẽ bị hạn chế trong trung hạn
Tồn kho ngô Mỹ niên vụ 22/23 được điều chỉnh tăng cao hơn so với dự đoán của thị trường và mức tăng này đến từ việc số liệu xuất khẩu bị cắt giảm. Áp lực cạnh tranh từ các nhà xuất khẩu khác và cùng với mức giá
cao của Mỹ dẫn tới doanh số bán hàng giảm và các chuyến hàng bị trì hoãn cho tới tháng 12. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố bất ngờ và được phản ánh khá chậm nên tác động “bearish” đối với giá ngô sau báo cáo sẽ không quá mạnh.
Trong khi đó, trái ngược với kì vọng nguồn cung toàn cầu nới lỏng, tồn kho ngô thế giới niên vụ 22/23 lại bị cắt giảm xuống mức 298.40 triệu tấn từ mức 300.76 triệu tấn. Mức điều chỉnh này đến từ số liệu của Ukraine khi thời tiết xấu và xung đột ở Biển Đen làm chậm giai đoạn thu hoạch. Theo đánh giá của chúng tôi, trong ngắn hạn giá ngô sẽ chịu tác động trái chiều từ báo cáo nhưng nguồn cung thắt chặt có thể sẽ khiến cho lực bán dần suy yếu.
Tồn kho cuối niên vụ của Mỹ không tăng như kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá đậu tương trong phiên hôm nay
Trong báo cáo lần này, tồn kho đậu tương niên vụ 2022/23 của Mỹ vẫn được duy trì ở mức 220 triệu giạ, thấp hơn mức 238 triệu giạ mà thị trường kỳ vọng. Điều này có thể sẽ tác động “bullish” nhẹ đến giá. Không chỉ có tồn kho, tất cả các số liệu khác như xuất khẩu, sản lượng và tiêu thụ cũng không có biến động. Đối với mùa vụ tại Nam Mỹ, số liệu sản lượng niên vụ 2022/23 của Argentina và Brazil cũng không có thay đổi, cho thấy USDA vẫn đang khá thận trọng trong việc chỉnh sửa các số liệu và sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến diễn biến giá. Tồn kho đậu tương thế giới cuối niên vụ được dự báo sẽ đạt mức 102.71 triệu tấn, cao hơn một chút so với mức 102.23 dự đoán của thị trường và mức 102.17 trong báo cáo trước.
Điều này có thể sẽ tạo sức ép lên giá đậu tương nhưng chúng tôi cho rằng ảnh hưởng sẽ không quá lớn do mức chênh lệnh là nhỏ. Nhìn chung, trong báo cáo lần này, dù không có nhiều số liệu quan trọng thay đổi, nhưng việc tồn kho đậu tương Mỹ không tăng như kỳ vọng sẽ tác động “bullish” nhẹ đến giá.