Bắt đầu từ ngày 14/12, Trung Quốc chính thức ngừng kiểm đếm số ca nhiễm không triệu chứng hằng ngày, đồng thời triển khai các mũi tiêm vaccine tăng cường thứ hai cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Trung Quốc đã “xoay trục” cuộc chiến chống dịch COVID-19 từ kiềm chế lây nhiễm sang điều trị y tế, đảm bảo mở cửa trở lại an toàn.
Bắt đầu từ ngày 14/12, nước này chính thức ngừng kiểm đếm số ca nhiễm không triệu chứng hằng ngày, đồng thời triển khai các mũi tiêm vaccine tăng cường thứ hai cho các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm người già và những người mắc bệnh mãn tính.
Bên cạnh đó, ngành y tế Trung Quốc cũng đẩy mạnh đảm bảo nhu cầu thuốc men và chăm sóc y tế của người dân.
Ngày 14/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết từ ngày này, Trung Quốc chính thức ngừng báo cáo các trường hợp COVID-19 không có triệu chứng vì khó có thể đánh giá số người nhiễm bệnh không có triệu chứng khi không có số liệu thống kê xét nghiệm.
Trung tâm Khẩn cấp thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc giải thích rằng, sau khi Trung Quốc đưa ra 10 biện pháp mới loại bỏ yêu cầu xét nghiệm đại trà, những bệnh nhân không triệu chứng không cần phải xét nghiệm axit nucleic nữa và cũng không cần phải điều trị tại các cơ sở y tế.
Dịch COVID-19: Trung Quốc triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 2
Vì vậy, không cần phải báo cáo những trường hợp đó. Tuy nhiên, nhóm người này vẫn sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà dưới sự hướng dẫn và dịch vụ từ các cơ sở y tế cơ sở.
Cùng ngày, NHC cũng đưa ra kế hoạch tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường thứ hai cho các nhóm có nguy cơ cao và người cao tuổi trên 60 tuổi.
Cơ quan này cho biết, những người có thể tiêm mũi tăng cường thứ hai sẽ bao gồm những người có bệnh nền nghiêm trọng và những người có khả năng miễn dịch thấp.
Theo thống kê của NHC, tính đến ngày 13/12, có 86,6% những người trên 60 tuổi ở Trung Quốc đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ (hai mũi) và 69% đã được tiêm mũi nhắc lại đầu tiên (mũi thứ ba); 66,4% những người trên 80 tuổi đã hoàn thành việc tiêm chủng đầy đủ và 42,3% đã tiêm một mũi tăng cường.
Các nhà dịch tễ học Trung Quốc cho biết những điều chỉnh chính sách này nhằm đẩy trọng tâm cuộc chiến chống COVID-19 của Trung Quốc từ kiềm chế lây nhiễm sang tăng cường nguồn lực để củng cố hệ thống y tế cho làn sóng thoát dịch đầu tiên, một bước đi quan trọng đảm bảo cho nước này mở cửa trở lại an toàn và có trật tự.
Giới chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng giờ đây các nguồn lực nên được tập trung vào việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và đảm bảo điều trị những trường hợp nghiêm trọng cũng như ngăn ngừa tử vong.
Họ nhận định tình trạng nguồn lực y tế nói chung căng thẳng và nguồn cung nguyên liệu chống COVID-19 thiếu hụt trong thời gian ngắn cuối cùng sẽ được khắc phục bằng sự hợp tác, đoàn kết của người dân Trung Quốc và các nỗ lực điều phối từ trên xuống của chính phủ nước này.
Họ tin rằng con đường mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ an toàn và trật tự, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc chỉ nới lỏng các hạn chế khi loại virus này ít gây chết người hơn và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có sự chuẩn bị sẵn sàng.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) hôm 13/12 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai tỉ mỉ các biện pháp khác nhau để tối ưu hóa công tác phòng ngừa và kiểm soát COVID-19, đồng thời đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ các giai đoạn ứng phó với COVID-19 của nước này.
Số ca nhiễm COVID-19 bắt đầu gia tăng sau khi Trung Quốc công bố thêm 10 biện pháp mới nhằm tối ưu hóa phản ứng với COVID-19 vào tuần trước và nhiều nhà dịch tễ học dự đoán làn sóng thoát dịch đầu tiên sẽ đạt đỉnh trong vòng một tháng.
Các bệnh viện trên toàn Trung Quốc hiện đang nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng cho những làn sóng thoát dịch. NHC cho biết, tính đến ngày 14/12, trên toàn Trung Quốc, các bệnh viện từ hạng 2 trở lên đã mở hơn 14.000 phòng khám sốt.
Ở cấp cơ sở, có 33.000 phòng khám như vậy và thời gian chờ đợi bên ngoài phòng khám ở một số nơi đã giảm từ mức trung bình 4 giờ trước đó xuống chỉ còn 40 phút.
Trong những ngày gần đây, các bệnh viện cũng nhanh chóng tăng số giường chăm sóc tích cực (ICU), tăng hơn gấp đôi số giường ICU lên 10 giường/100.000 người, so với mức chưa đầy 4 giường/100.000 người chỉ một tháng trước.